Từ vụ cá Nam 2021
Vụ cá Nam diễn ra từ cuối tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch, được xem là vụ cá chính trong năm đối với ngư dân trên địa bàn tỉnh. Vụ cá Nam năm 2021 diễn ra trong điều kiện có một số bất lợi do điều kiện thời tiết và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp… nhưng với sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các ngành chức năng, các địa phương và sự nỗ lực vượt khó... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Vụ cá Nam diễn ra từ cuối tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch, được xem là vụ cá chính trong năm đối với ngư dân trên địa bàn tỉnh. Vụ cá Nam năm 2021 diễn ra trong điều kiện có một số bất lợi do điều kiện thời tiết và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp… nhưng với sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các ngành chức năng, các địa phương và sự nỗ lực vượt khó, tích cực bám biển của ngư dân các huyện ven biển đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Để vụ cá Nam đạt được kết quả tốt, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các xã, thị trấn thông báo và yêu cầu các chủ tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản tới các Trạm thủy sản để tiến hành đăng kiểm phương tiện và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Đây cũng là thời điểm để ngư dân kiểm tra, rà soát phương tiện, ngư lưới cụ chuẩn bị vào vụ khai thác mới an toàn, hiệu quả. Đến ngày 17-9, toàn tỉnh đã có 2.134 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất là 304.329CV; trong đó huyện Giao Thủy có 893 tàu cá, huyện Hải Hậu 692 tàu cá, huyện Nghĩa Hưng 499 tàu cá, huyện Trực Ninh 49 tàu cá. Tổng số lao động trực tiếp trên biển là 6.187 người. Sở NN và PTNT đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản để ngư dân nắm vững và thực hiện nghiêm các quy định; phối hợp chặt chẽ với BĐBP tỉnh trong công tác kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở các chủ tàu khai thác đúng ngành nghề, vùng hoạt động theo giấy phép; tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác thủy sản và phục vụ hiệu quả công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản. Đội ngũ cán bộ chuyên môn của ngành NN và PTNT luôn chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết, diễn biến nguồn lợi trên các ngư trường để kịp thời thông báo cho ngư dân ổn định sản xuất, chủ động ứng phó với những biến động về giá nhiên liệu, vật tư, giá bán sản phẩm. Các huyện ven biển, các ngành chức năng cũng tăng cường triển khai các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của các địa phương, các ngành đã đưa sản lượng khai thác hải sản vụ cá Nam năm nay đạt trên 40 nghìn tấn. Một số nghề có hiệu quả khai thác cao như nghề rê hỗn hợp của ngư dân huyện Hải Hậu đạt doanh thu trung bình 90 triệu đồng/chuyến (trong thời gian 5 ngày) và đang được các cơ quan chức năng khuyến khích phát triển. Nghề lưới kéo của ngư dân các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng đạt doanh thu trung bình 3-5 triệu đồng/chuyến (thời gian 2 ngày). Anh Trần Văn Vương, ngư dân huyện Hải Hậu cho biết: “Mặc dù vụ cá Nam năm nay bị ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh COVID-19... nhưng ngư dân trong tỉnh luôn được các cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ vượt qua khó khăn để yên tâm lao động sản xuất, đủ thu nhập để duy trì cuộc sống ổn định”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vụ cá Nam năm nay việc khai thác thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh COVID-19 dẫn tới giá cả không cao, khó khăn do tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng khai thác cao nhưng giá trị thấp vì cá tạp, giáp xác nhỏ còn chiếm khối lượng lớn. Vẫn còn một số ngư dân chưa cấp giấy phép, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Lực lượng tham gia quản lý nghề cá còn mỏng, đặc biệt là thiếu nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, kiểm soát trực tiếp tại các bến cá, chưa có hệ thống cán bộ chuyên trách. Hệ thống cảng cá, khu neo đậu vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu.
Với những kết quả tích cực trong vụ cá Nam, ngư dân các huyện ven biển lại tất bật chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư để sẵn sàng ra khơi đánh bắt vụ cá Bắc năm 2021-2022. Những ngày này, tại cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) nhộn nhịp người, xe ra vào để vận chuyển vật tư và các vật dụng cần thiết cung ứng cho các chủ tàu chuẩn bị chuyến đi biển mới. Anh Trần Công Thuấn, ngư dân huyện Nghĩa Hưng cho biết, để có chuyến đi biển an toàn, thuận lợi, anh đã chuẩn bị gần 70 tấn đá, hơn 20 nghìn lít dầu cùng nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ cho 9 thuyền viên trong khoảng 10-15 ngày. Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Bước vào vụ cá Bắc năm 2021-2022, Chi cục tiếp tục cử cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên theo dõi diễn biến ngư trường, nguồn lợi thủy sản, tình hình thời tiết, khí hậu để tham mưu cho các địa phương hướng dẫn cho ngư dân tổ chức khai thác thủy sản đạt kết quả tốt. Chi cục cũng tập trung truyên truyền, vận động và hướng dẫn ngư dân tuân thủ Luật Thủy sản; nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); tìm hiểu, nắm bắt một số mô hình sản xuất, khai thác thủy sản có hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh bạn nhằm học tập kinh nghiệm, áp dụng triển khai trên địa bàn. Hy vọng, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, ngư dân các huyện ven biển sẽ nỗ lực, tích cực khai thác thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202111/tu-vu-ca-nam-2021-2547523/