Từ vụ ngộ độc tại quán cơm gà ở Khánh Hòa: Mối nguy nhiễm khuẩn Salmonella
Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, có vụ hàng trăm người mắc, thậm chí đã xảy ra nhiều ca tử vong. Ngộ độc thực phẩm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nếu không có kỹ năng xử lý kịp thời rất dễ để lại hậu quả đáng tiếc.
Hàng trăm người ngộ độc ở quán cơm gà do nhiễm khuẩn Salmonella
Những ngày qua, vụ việc hàng trăm người nghi ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn ở quán cơm gà Trâm Anh trên đường Bà Triệu, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt phải nhập viện điều trị khiến nhiều người lo lắng.
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 15/3, địa phương ghi nhận 345 ca ngộ độc sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh. Hiện có 201 người đang điều trị ở 13 bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn. Đối với các trường hợp còn lại do sức khỏe tốt nên được các cơ sở y tế khám, kê đơn thuốc và cho về nhà theo dõi ngoại trú.
Liên quan đến vụ việc, bước đầu cơ quan chức năng xác định vi khuẩn Salmonella là tác nhân gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn cho nhiều người sau khi dùng thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Vinmec đã xét nghiệm 2 trường hợp ngộ độc nghi do ăn cơm gà của quán Trâm Anh cho ra dương tính với vi khuẩn Salmonella - tác nhân chính gây nhiễm khuẩn đường ruột.
Cách đây chưa lâu, tại TP Hội An (Quảng Nam) cũng xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 313 người mắc, 273 ca phải nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng - quán ăn nổi tiếng ở địa phương này. Những người bị ngộ độc có các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, đi cầu lỏng trên 10 lần, nôn, sốt cao.
Thịt heo xíu và rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo trong hai bữa ăn được xác định là thức ăn nguyên nhân khiến hàng trăm người bị ngộ độc. Cơ quan chức năng xác định căn nguyên gây ngộ độc là vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm mẫu cũng phát hiện trong chả heo có nhiễm khuẩn E.coli.
Điểm lại, đã có nhiều vụ ngộ độc mà nguyên nhân được khác định là do thức ăn nhiễm vi khuẩn Salmonella. Như vụ ngộ độc khiến 2 anh em ruột phải nhập viện, 1 trường hợp tử vong sau khi dự tiệc tại chung cư Palm Heights (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Hay vụ 662 học sinh trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc trước đó, cũng được xác định do nhiễm khuẩn Salmonella, khuẩn Bacillus cereus và Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.
Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu trên thế giới, có thể tìm thấy vi khuẩn này trong nhiều loại thực phẩm, gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và cả thực phẩm chế biến sẵn.
Nhiễm khuẩn này, bệnh nhân thấy buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, khó chịu, sốt, đau bụng, sau đó xuất hiện nôn mửa và đi ngoài nhiều lần, phân toàn nước, đôi khi có máu.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Đề cập đến vi khuẩn Salmonella, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm trùng xảy ra chủ yếu ở dạ dày ruột, nên còn có thể gọi là viêm dạ dày ruột do Salmonella.
Ban đầu vi khuẩn vào cơ thể qua đường ăn uống, gây nhiễm trùng ở dạ dày ruột là chính, thời gian ủ bệnh từ 6-72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn. Bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng.
Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu…
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, vi khuẩn Salmonella nguy hiểm gây khó chịu như đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước điện giải, có thể gây nhiễm trùng nặng nhiều hơn và tử vong. Do đó, nếu nguồn thức ăn không bảo đảm ATTP, sẽ dễ bị nhiễm các vi sinh vật.
TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, với bệnh nhân sau khi ra viện, dạ dày vẫn bị ảnh hưởng nên ăn uống sẽ khó chịu. Do đó, người bệnh cần ăn thức ăn mềm rồi tăng dần lên, tránh thức ăn gây đau dạ dày như chua, cay, ngọt...
Vi khuẩn này không để lại di chứng, nó là một trường hợp nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn. Do đó, các bác sĩ sẽ điều trị kháng sinh, thường kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella có thể mất 5-7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và điều trị triệu chứng.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho biết, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ món ăn nào, thậm chí cả nước uống. Đa phần bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do nhóm vi sinh vật ít nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc Botulinum, bệnh nhân dễ diễn biến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Đáng chú ý, vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng, từ nhẹ đến rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.
Qua đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, để hạn chế ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, cần thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến, và bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, để phòng ngừa ngộ độc do vi khuẩn Salmonella, người dân cần giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống, không ăn thực phẩm tái, gỏi và đun sôi thực phẩm trước khi ăn.