Từ vụ sạt lở 11 người chết ở Hà Giang: Cần ý thức tự giác, xác định rõ nguy cơ

Theo giới chuyên gia, ngày nào chính quyền địa phương cũng một vài lần cảnh báo nhắc nhở về thiên tai thì muốn hay không muốn, người dân cũng sẽ có dịp nghe, lưu lại trong trí nhớ và có ý thức hơn.

Một điểm sạt lở ở tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Một điểm sạt lở ở tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh vùng núi cao đang vào thời điểm cao điểm mưa lũ. Từ đầu tháng 6/2024 đến nay, mưa lớn kèm theo sạt lở đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh Cao Bằng và Hà Giang gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; trong đó riêng vụ sạt lở núi ở huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) đã vùi lấp chiếc xe khách, khiến 11 người tử vong, 4 người bị thương.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai là việc cấp thiết. Song đi kèm với đó là ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chính quyền sở tại, bởi nếu lơ là, thiếu trách nhiệm thì công nghệ hiện đại đến đâu, tai nạn cũng sẽ xảy ra.

Tự giác, chủ động phòng tránh

Theo Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trịnh Hải Sơn, thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và phức tạp hơn đã trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất và đời sống của người dân ở miền trung du, miền núi Việt Nam. Do vậy, các địa phương cần xây dựng và ban hành phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với các loại hình thiên tai, mà trước hết là ứng phó bão, lũ, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường thông tin, xuất bản, tuyên truyền, cảnh báo, tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn.

Tất cả các ngành, các cấp ở địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương án phòng chống, ứng phó thiên tai; chú trọng thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”; thường xuyên cập nhật bổ sung các số liệu sơ tán dân, thống kê, kiểm soát các khu vực xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đất đá, lũ quét; rà soát công tác thông tin cảnh báo đến người dân và các hộ dân trong khu vực chịu tác động.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng nhấn mạnh để tăng cường cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, tính chủ động là rất quan trọng.

Theo ông Văn, nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt. Do vậy, động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt trượt. Sau đó, địa phương cần cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt.

“Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, khi đó cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp,” vị chuyên gia địa chất nhấn mạnh.

Ngoài ra, để đề phòng trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, các địa phương cần nâng cao công tác điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng tìm hiểu nguyên nhân, phân vùng cảnh báo, triển khai đồng đều rộng khắp hơn nữa trên tất cả các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, biến đổi địa chất.

 Hiện trường sạt lở đồi sát nhà dân ở thôn Hòa Bắc (xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2019 đến nay. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Hiện trường sạt lở đồi sát nhà dân ở thôn Hòa Bắc (xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2019 đến nay. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Quan trọng hơn là cần truyền thông kịp thời, rộng khắp và thường trực để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Ngày nào cũng một vài lần cảnh báo nhắc nhở về thiên tai thì muốn hay không muốn, người dân cũng sẽ có dịp nghe, lưu lại trong trí nhớ và có ý thức hơn,” ông Văn chia sẻ thêm.

Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho biết cơ quan này vừa ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” nhằm xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở.

Kế hoạch đề cập đến các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho các khu vực rủi ro cao (ưu tiên thực hiện trước cho các khu vực có nguy cơ diễn biến thiên tai sạt lở đất, lũ quét phức tạp).

Theo đó, Cục Địa chất Việt Nam sẽ phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xây dựng và hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật về công tác điều tra, khảo sát chi tiết, lập bản đồ phân vùng nguy cơ và phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét ở tỷ lệ lớn; ứng dụng công nghệ viễn thám để điều tra, giám sát, cập nhật thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét và các lớp thông tin phục vụ cảnh báo sớm; xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét.

Bên cạnh đó, Cục Địa chất sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin về sạt lở đất, lũ quét; thông tin cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế; thông tin về đặc điểm địa chất - khí tượng thủy văn phục vụ tính toán lập bản đồ phân vùng tính dễ bị tổn thương; tiến hành lập bản đồ hiện trạng sạt lở đất, lũ quét, bộ bản đồ thành phần địa chất, thủy văn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét

Trong thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn cũng sẽ thực tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao, thủy văn, hải văn; bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt như miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên…

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng thời hạn và mức độ chi tiết dự báo, cảnh báo thiên tai và thời tiết hàng ngày.

Đặc biệt, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng các đề án cụ thể điều tra chi tiết các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tu-vu-sat-lo-11-nguoi-chet-o-ha-giang-can-y-thuc-tu-giac-xac-dinh-ro-nguy-co-post964818.vnp