Tua du lịch sông Gâm khai thác con đường di sản

Việc tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang hợp nhất, chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành từ ngày 1-7 mở ra cánh cửa mới cho ngành du lịch của tỉnh. Ông Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam mới đây có buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang cho rằng, sau khi hợp nhất hai tỉnh thì tuyến du lịch đi Quản Bạ, Mèo Vạc, xuống Bắc Mê, qua Na Hang, về trung tâm tỉnh Tuyên Quang sẽ trở thành sự thật.

Việc tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang hợp nhất, chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành từ ngày 1-7 mở ra cánh cửa mới cho ngành du lịch của tỉnh. Ông Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam mới đây có buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang cho rằng, sau khi hợp nhất hai tỉnh thì tuyến du lịch đi Quản Bạ, Mèo Vạc, xuống Bắc Mê, qua Na Hang, về trung tâm tỉnh Tuyên Quang sẽ trở thành sự thật.

Du khách tham quan danh thắng Cọc Vài.

Du khách tham quan danh thắng Cọc Vài.

Để đón đầu xu hướng đó Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản mong muốn mở rộng diện tích cây tam giác mạch như ở xã Nà Hang, Hồng Thái. Ngoài thu mua hạt tam giác mạch cho xuất khẩu làm mì Soba, thì hoa tam giác mạch tạo cảnh quan cho phát triển du lịch, nuôi ong lấy mật, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Trước kia trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc, tuyến du lịch “Huyền thoại sông Gâm” nối từ huyện Bắc Mê (cũ), xuống huyện Lâm Bình, Na Hang (cũ), nay là xã Bắc Mê, Lâm Bình, Na Hang của tỉnh Tuyên Quang mới đã được triển khai khá hiệu quả. Các tua tuyến du lịch hình thành, một số dịch vụ, sản phẩm du lịch dọc tuyến được mở ra, nhờ đó thu hút khách du lịch. Nhiếp ảnh gia Hoàng Hưng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang người đã có kinh nghiệm nhiều năm chụp ảnh ở hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình khẳng định, các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao danh lam thắng cảnh vùng lòng hồ sinh thái chạy dọc sông Gâm từ Bắc Mê xuống Lâm Bình, Na Hang. Hai bên sông Gâm có những ngọn núi đá vôi cao, hình thù đẹp, rừng nguyên sinh xanh rì. Thi thoảng thuyền của du khách sẽ bắt gặp những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên. Rồi những làng chài nuôi cá, đánh bắt cá tôm ngay trên lòng hồ, tạo nên cảnh sắc vừa hoang dã, vừa bình dị, nên thơ.

Các đảo đá vôi trên lòng hồ sinh thái.

Các đảo đá vôi trên lòng hồ sinh thái.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chúc mừng Hà Giang và Tuyên Quang đã về chung “một nhà”. Sức mạnh về phát triển du lịch của tỉnh mới sẽ nhân lên gấp bội, nhờ bổ trợ và tương hỗ lẫn nhau. Ông đánh giá rất cao tiềm năng, lợi thế phát triển tuyến du lịch “Huyền thoại sông Gâm”. Sự kết hợp giữa du lịch sinh thái với du lịch cộng đồng giàu bản sắc dân tộc thiểu số địa phương sẽ làm lên nét riêng của du lịch Tuyên Quang. Sau khi ổn định tổ chức bộ máy của tỉnh mới, việc tái cấu trúc lại không gian du lịch, chắc du lịch Tuyên Quang có nhiều lợi thế.

Tỉnh Tuyên Quang vẫn xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, dư địa phát triển của tỉnh còn nhiều. Hiện nay các công ty, lữ hành du lịch trong tỉnh cũng rất kỳ vọng vào tuyến du lịch “Huyền thoại sông Gâm” để mở ra, khai thác tốt con đường di sản. Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ chia sẻ, hiện đang khai thác du lịch tại vùng lòng hồ sinh thái Na Hang và Lâm Bình. Tới đây khi tuyến du lịch Bắc Mê - Lâm Bình - Na Hang nhộn nhịp, Công ty sẽ có những dự tính tua tuyến dài ngày, khai thác triệt để vẻ đẹp tuyến du lịch sông Gâm.

Chị Nguyễn Hồng, du khách ở Hải Phòng, người đã từng nhiều lần du lịch vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình tin tưởng, sự sáp nhập tỉnh này khiến du khách không thể bỏ qua những địa danh đẹp trên cùng một tuyến sông Gâm. Chị và gia đình háo hức một ngày gần đây được trở lại Na Hang-Lâm Bình để có thể khám phá tua du lịch Bắc Mê và ngược lại. Để cảm nhận vẻ đẹp của Tuyên Quang…

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/du-lich/202507/tua-du-lich-song-gam-khai-thac-con-duong-di-san-f7007e2/