Tục con rể lễ biếu bố mẹ vợ vào dịp Tết Đoan Ngọ
Theo học giả Toan Ánh, tục đi sêu nêu ra tinh thần biết ơn nhạc phụ nhạc mẫu đã sinh ra vị hôn thê của mình và là dịp để chàng trai tỏ lòng thương mến cô gái qua nghi lễ phong tục.
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là một trong những ngày Tết quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.
Bổn phận của những chàng rể đã dạm vợ chưa cưới
Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa); còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu khí dương đang thịnh. Theo sách Hội hè lễ tết của người Việt của Nguyễn Văn Huyên: Đoan Ngọ cũng có thể hiểu là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm.
Ở Việt Nam, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn được gọi là Tết giết sâu bọ để tưởng nhớ đến việc ông lão Đôi Truân giúp dân chúng trị sâu bọ.
Trong cuốn Tín ngưỡng Việt Nam (bộ Nếp cũ), học giả Toan Ánh cho biết, có lễ tiết thì có cúng bái, do vậy cũng như các Tết khác, ta ăn Tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ. Theo đó người ta cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Mặt khác, giữa tiết hạ oi bức, người ta cúng bái để cầu bình yên và tránh được mọi bệnh thời khí.
Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; tại các thôn xóm có cúng tại miếu. Ở các tư gia, người ta sửa lễ cúng ông bà tổ tiên và cúng Thổ công. Riêng gia đình có đông y sĩ có sửa lễ Thánh sư.
Ngoài việc cúng lễ trong ngày Tết Đoan Ngọ, người Việt có nhiều tục lệ (biện pháp đề phòng hoặc ngăn ngừa bệnh tật do thời tiết nóng bức của mùa hè gây nên) như: giết sâu bọ (tiêu diệt mầm mống gây bệnh); nhuộm móng chân móng tay (trừ tà ma); đeo bùa tai, bùa túi (trừ ma quỷ và rắn rết); tắm lá nước mùi (xua tà khí, tránh gió máy, cảm mạo); hái thuốc vào giờ Ngọ (thời điểm lá thuốc hấp thu khí nóng nhất trong năm tạo nên dược tính chữa được một số bệnh như nhức đầu, đau xương, xổ mũi, choáng váng); treo ngải cứu trước cửa (để trừ tà, tránh sự đau ốm)…
Bên cạnh các tục lệ liên quan đến việc phòng hoặc ngăn ngừa bệnh tật do thời khí gây nên, ngày Tết mùng 5 tháng 5 còn có tục đi sêu, tết thầy học, tết ông lang…
Về tục đi sêu, học giả Toan Ánh cho biết, những chàng trai đã dạm vợ hoặc hỏi vợ nhưng chưa cưới có bổn phận phải sêu tết trong những dịp lễ tiết.
Ngoài Tết Nguyên đán, một năm có hai lần đi sêu vào dịp cơm mới tháng 5 và tháng 10, nghĩa là vào dịp vụ gặt xong có lúa mới của hai vụ chiêm và mùa.
Về vụ chiêm, những chàng rể chưa cưới sẽ phải đi sêu bố mẹ vợ nhân dịp Tết Đoan Ngọ. Lễ sêu trong dịp này bao giờ cũng gồm có đậu xanh mới hái vào tháng tư, gạo nếp của vụ chiêm. Ngoài ra tháng năm cũng là mùa ngỗng và mùa chim ngói, cùng với gạo đậu bao giờ cũng có một đôi ngỗng và vài chục ngói. Kèm theo vài cân đường cát và mấy trái dưa hấu.
Lễ trọng ở lòng thành chứ không trọng ở chỗ nhiều
Thường thì chàng rể đi sêu, bố mẹ vợ thường nhận đồ lễ, nhưng bao giờ cũng hoàn lại một phần, thường chỉ lấy một nửa. Lễ “quý hồ thành, bất quý hồ đa”, lễ trọng ở lòng thành chứ không trọng ở chỗ nhiều. Bố mẹ vợ không nhận cả, phần sợ mang tiếng tham, phần theo tập quán ít ai nhận đồ biếu Tết mà không lại quả, phần là để lại cho người biếu một phần.
Học giả Toan Ánh cũng cho biết, chỉ những chàng rể chưa cưới vợ mới phải đi sêu, còn những chàng rể đã cưới vợ rồi thì hết lệ sêu, nhưng trong các dịp lễ tết thường có lễ ông bà nhạc. Dịp mùng 5 tháng 5 cũng vậy, các chàng rể dù nghèo vẫn cố kiếm chút lễ mọn để biếu bố mẹ vợ, lễ biếu này nhiều ít tùy tâm và không quan trọng bằng lễ sêu.
Liên quan đến tục lễ sêu nhân ngày Tết Đoan Ngọ, trong cuốn Đất lề quê thói, tác giả Nhất Thanh cho biết, nhiều nơi con cháu lo biếu Tết ông bà cha mẹ, con rể sêu tết nhạc gia, học trò biếu Tết thầy dạy. Quà biếu Tết mùng 5 tháng 5 thường là ngỗng, đậu xanh hay dưa hấu với đường…
Còn trong cuốn Bách khoa thư về làng Việt cổ truyền, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết theo tục ở hầu hết làng quê, Tết mồng 5 tháng năm cũng là dịp để lễ, biếu (chàng rể với bố mẹ vợ, trò với thầy, người bệnh với thầy thuốc), người ta thường biếu dưa hấu và đường trắng. Với chàng rể tương lai hoặc chàng rể vừa mới cưới vợ, ngoài hai thứ biếu phổ biến trên, nếu sang trọng thì biếu đôi ngỗng.
Một số làng có tục biếu độc đáo, điển hình là làng My Dương (nay thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội), liên quan đến chợ làng (chợ Mai). Chợ chỉ họp hai phiên trong một năm, vào ngày mồng 4 tháng năm và ngày 14 tháng bảy. Hai phiên chợ này mở để con cháu (đặc biệt là những người con gái đã đi lấy chồng) thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn với cha mẹ, ông bà; học trò thể hiện lòng kính trọng với thầy dạy.
Trong hai phiên chợ này, thịt đều bán theo khổ thấu xương hoặc theo miếng; lòng lợn bán theo cỗ... để mọi người mua làm quà biếu. Lễ vật thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn của người con gái với bố mẹ, của học trò với thầy là một đôi chân giò hoặc một miếng thăn suốt, kèm theo một gói bún.
Tác giả sách Bách khoa thư về làng Việt cổ truyền cho biết thêm, tục này đã không còn từ giữa những năm 1960, khi thịt lợn và bún là những mặt hàng thiết yếu chiến lược, không được bán tự do trên thị trường. Chợ do đó cũng không được duy trì.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tuc-con-re-le-bieu-bo-me-vo-vao-dip-tet-doan-ngo-post1479798.html