Tục đốt cây đình liệu trong lễ hội đền Lộng Khê ở Thái Bình
Lễ hội đền Lộng Khê (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, tạo nên sự khác biệt so với các lễ hội khác ở vùng châu thổ Bắc bộ, tiêu biểu với tục múa Bát Dật và đốt cây đình liệu.

Theo TTXVN, làng Lộng Khê – tên nôm là làng Nhống – được hình thành cách đây hơn 1.000 năm. Vào thời Lý, cùng với các địa danh như Đào Động, Tô Đê, A Sào, Lộng Khê được xem là một trong “tứ cố cảnh” của huyện Phụ Dực, nay là huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Đền Lộng Khê được xây dựng từ thời Nguyễn, là nơi thờ Quốc sư Dương Không Lộ, Thái úy Lý Thường Kiệt và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Năm 1990, đền được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Hằng năm, từ ngày 23 đến 25-3 âm lịch, người dân làng Lộng Khê tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân với nhiều hoạt động như lễ rước nước, rước kinh, lễ tế mở cửa đền… Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Một nghi thức đặc biệt trong lễ hội là tục đốt cây đình liệu – nghi lễ mang ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Mỗi năm, việc chuẩn bị cây đình liệu được giao cho một thôn trong xã. Cây được làm từ tre, củi, bó thành từng bó nhỏ rồi kết lại thành cây lớn, đường kính gốc khoảng 1,2–1,5m, cao từ 15–18m. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Cây được sơn màu đỏ, ngọn tạo hình đài sen, tẩm dầu và nối dây dẫn xuống gốc. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Vào đêm chính hội, cây đình liệu được đốt như một bó đuốc khổng lồ – biểu tượng tâm linh cầu cho dân làng bình an, sung túc. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Ánh lửa tỏa sáng suốt đêm, trong khi trai đinh rước đuốc quanh làng tạo nên không khí náo nhiệt, linh thiêng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Một điểm nhấn khác là múa Bát Dật – điệu múa cung đình xưa, nay được phục dựng trong lễ hội dưới hình thức múa Bài Bông thời Trần, kết hợp cùng nhịp phách hát ả đào và lời chúc tụng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Đông đảo người dân tham dự lễ hội. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Năm 2017, lễ hội đền Lộng Khê xã An Khê được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn