Tục đốt pháo xưa và nay
·Vào mỗi đêm giao thừa trước đây, nhà nhà cùng ra ngoài để đốt pháo. Tiếng pháo nổ trên mọi cung đường ngõ hẻm. Những khuôn mặt tươi cười rạng rỡ trong tiếng pháo giòn tan làm cho không khí ngày Tết càng thêm náo nhiệt.
Theo tục lệ xưa, mọi người sẽ đốt một quả pháo trước bữa tối đêm giao thừa; thường gọi là "bế môn pháo trượng" (tức đóng cửa đốt pháo). Đến giờ tí (12 giờ đêm), mọi người dùng tiếng nổ mãnh liệt của pháo để xua đuổi yêu ma quỷ quái, nghênh đón năm mới.
Đến mùng 1 Tết, khi mở cửa nhà thì đốt thêm một quả pháo, gọi là "khai môn pháo trượng" (tức mở cửa đốt pháo). Nếu đốt 3 quả thì gọi là "liên trung tam nguyên" (nghĩa là ý muốn cầu chúc trong nhà có người đạt được tam nguyên (đỗ đầu cả 3 kỳ thi hương, thi hội, thi đình). Đốt 4 quả gọi là "phúc, lộc, thọ, hỷ" (những điều lành (Phúc), sự thịnh vượng (Lộc), và tuổi thọ (Thọ), những chuyện vui (Hỷ)). Đốt 6 quả là "lộc lộc đại thuận" (chỉ ngày 6 tháng 6 âm lịch, chủ yếu chúc cho người trung niên có một gia đình hạnh phúc, công việc thuận lợi, sự nghiệp thành công và sức khỏe tốt, mọi người hòa thuận). Còn đốt một chuỗi trăm quả thì gọi là "bách tử bộc" (chuỗi 100 quả pháo); để xác pháo phủ đầy cửa nhà thì được gọi là "mãn địa kim tiền" (tiền phủ đầy sân).
Đốt pháo còn mang ý nghĩa xua đuổi những điều xui xẻo; đón chờ một năm mới bình an và may mắn. Khi đến chúc Tết, khách cũng có thể đốt một phong pháo trước khi vào cổng nhà chủ để chúc mừng. Người ta còn sử dụng pháo trong các dịp lễ trọng đại của đời sống như mừng thọ, mừng thăng quan, mừng sinh con trai, mừng tân gia, khai trương, lễ gia tiên, đón khách sang trọng…
Thậm chí, có người còn dùng việc đốt pháo để đoán tương lai. Nếu nhà nào đầu năm đốt pháo bị xịt hoặc pháo nổ rời rạc thì năm đó sẽ xem như không thuận lợi. Trong đám cưới, tiệc mừng đốt pháo không nổ cũng là điềm xui.
Loại pháo khởi nguồn đầu tiên là pháo trúc, có nguồn gốc từ Trung Quốc cách đây hơn 2.000 năm. Sau đó, con người phát minh ra nhiều loại pháo khác như: pháo hoa, pháo dù, pháo pháp, pháo thăng thiên, pháo nhị, pháo dây, pháo bánh, pháo tép, pháo cối…
Ở Việt Nam, từ năm 1994, Chính phủ đã cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo. Sở dĩ như vậy là vì hằng năm tai nạn quá nhiều do đốt pháo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn duy trì nhiều lễ hội pháo.
Hội pháo Bình Đà tổ chức tại làng Bình Đà, Thanh Oai, Hà Tây; thường sử dụng những tháp pháo nhiều tầng với hàng trăm loại khác nhau, bao gồm pháo sáng, pháo hoa, pháo đơn (pháo cối), pháo bánh… Tất cả các loại pháo đều được làm tại Bình Đà.
Hội pháo Đồng Kỵ tổ chức tại làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh; vào mùng 4 Tết. Pháo sử dụng trong lễ hội có kích thước khổng lồ (pháo đại). Lễ hội tổ chức với mong muốn cầu cho mưa gió thuận hòa. Trước khi chưa cấm đốt pháo, tiêu chí cuộc thi là quả pháo của dòng họ nào lớn nhất; trang trí thân pháo, đầu pháo đẹp nhất; nổ vang nhất và quan trọng nhất là quầng hoa pháo nở bung trên nền trời nhiều màu nhất, rực rỡ nhất. Giờ đây, phần rước pháo được coi là điểm nhấn quan trọng nhất.
Pháo đất Ninh Giang là một lễ hội pháo khá đặc biệt. Người thi pháo sử dụng đất sét, gan gà nặn thành hình quả pháo đất (kiểu lá riềng, giống khoang thuyền có riềm) và thả rơi tạo tiếng nổ. Hội thi pháo đất Ninh Giang tổ chức tại xã Hồng Phong (Ninh Thọ), huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vào mùa xuân.
Nhiều người cảm thấy tiếc khi chỉ còn được nghe tiếng pháo trên tivi vào dịp đón Tết. Có ý kiến cho là nên tham khảo việc cấm đốt pháo ở Trung Quốc. Nghe nói bên ấy họ chỉ cấm đốt pháo ở đô thị nhưng cho đốt pháo ở nông thôn và đề ra các yêu cầu chặt chẽ để cấm ném pháo và tránh các tai nạn do pháo. Báo chí Trung Quốc thông báo: Kể từ ngày 1-1-2022, Bắc Kinh đã thực hiện lệnh cấm đốt pháo nổ trên toàn thành phố; cấm đốt pháo nổ ở bất kỳ khu vực nào thuộc thẩm quyền của Bắc Kinh trừ khi được chính quyền thành phố chấp thuận.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tuc-dot-phao-xua-va-nay-20230118081516867.htm