Tục đốt vàng mã: Lưu giữ nét văn hóa tâm linh, đừng sa đà mê muội, lãng phí

Đốt vàng mã các dịp lễ, Tết, đặc biệt trong lễ Vu Lan báo hiếu như một nét văn hóa tâm linh song đang ngày càng bị biến tướng, lãng phí, mê muội.

Từ xa xưa, với ý nghĩa tốt đẹp hướng về tổ tiên, nguồn cội, nên cứ mỗi khi đến rằm tháng 7, thị trường vàng mã lại sôi động hơn bao giờ hết. Dễ nhận thấy tại các “công xưởng” sản xuất vàng mã với muôn hình vạn trạng các sản phẩm từ nhà lầu, xe hơi, ti vi, điện thoại di động, thậm chí còn có cả nhiều sản phẩm hàng hiệu... với đủ kiểu dáng, mẫu mã khác nhau.

Thực tế cho thấy, đốt vàng mã nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ, Tết, đặc biệt trong mùa lễ Vu lan báo hiếu đã được thực hiện nhiều đời nay nhưng phải nhìn nhận, nét đẹp văn hóa tín ngưỡng này đang ngày càng bị biến tướng và gây lãng phí nhiều tiền của cho xã hội.

Nhiều người "gửi tặng" tổ tiên cả "biệt thự", "xe sang", "hàng hiệu" (Ảnh minh họa)

Nhiều người "gửi tặng" tổ tiên cả "biệt thự", "xe sang", "hàng hiệu" (Ảnh minh họa)

Tính đơn giản, nếu mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra 10 nghìn đồng để mua vàng mã thì nhân với 1 triệu hộ gia đình con số đã lên tới 10 tỷ đồng. Trong khi, hàng năm, nước ta sử dụng đến 40.000 - 50.000 tấn vàng mã đã cho thấy một sự lãng phí quá lớn.

Thực tế, với quan niệm "phú quý sinh lễ nghĩa", không chỉ dừng lại ở việc đốt tiền vàng, nhiều người còn "sính" các sản phẩm hàng mã hạng sang như nhà biệt phủ, xe sang... để "tặng" tổ tiên, những người đã khuất.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Huy Phan, một thợ lâu năm tại “thủ phủ vàng mã” Song Hồ (Bắc Ninh) cho biết, mặc dù tình hình thị trường vàng mã năm nay khá trầm lắng, nhưng may mắn cửa hàng anh vớt vát nhờ có thêm nhiều sản phẩm mới như các sản phẩm mô phỏng ô tô hạng sang, vali du lịch, mỹ phẩm, cặp, túi sách hàng hiệu với nhiều mẫu mã độc, lạ. Riêng trong tháng 7 âm lịch năm nay, anh đã bán được 100 sản phẩm. Giá trung bình từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy vào độ to nhỏ của sản phẩm.

Cũng theo một số tiểu thương tại các chợ đầu mối, vài năm trở lại đây, người dân có nhu cầu nhiều hơn với những sản phẩm hàng mã “độc, lạ” như xe sang, nhà biệt thự, đồ hiệu… Nhiều người tâm niệm, đốt tiền giấy, vàng mã (nhà lầu, xe hơi, điện thoại, vàng bạc…) cho thân nhân đã khuất nhằm chu cấp cho ông bà tổ tiên dùng cho “thế giới bên kia” nên nhiều người không tiếc chi tiền cho những món “xa xỉ” này”.

Tập tục đốt vàng mã ngày nay đang bị biến tướng thái quá

Tập tục đốt vàng mã ngày nay đang bị biến tướng thái quá

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhiều cơ sở sản xuất đồ vàng mã mỗi năm lại cho "ra lò" những sản phẩm mới, hiện đại, phù hợp với xu thế. Không thể phủ nhận, việc sản xuất vàng mã tại nhiều làng nghề, điển hình như làng nghề chuyên làm vàng mã Song Hồ (Bắc Ninh), hay làng nghề vàng mã Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội)... đã giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho bà con địa phương, giúp người dân gia tăng thu nhập, song về mặt tổng thể, việc sử dụng các sản phẩm từ vàng mã không mang lại nhiều giá trị vật chất cho xã hội.

Trước ý kiến cho rằng, đốt vàng mã sẽ rước nhiều lộc về nhà, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam từng cho rằng, đây là một quan niệm sai lầm. Hòa thượng Thích Thiện Tâm lý giải, đạo Phật không có tập tục đốt vàng mã. Tập tục này ngày nay đang bị biến tướng thái quá, bật cập. Tư tưởng đốt vàng mã có nhiều lộc là mê tín, dị đoan. Xã hội ngày càng phát triển, việc đốt vàng mã lại càng trở nên phô trương và mang tính đổi chác, cầu mong tư lợi.

Qua đó có thể thấy, việc mỗi người có đạo hiếu hướng về tổ tiên, nguồn cội là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt bao đời nay. Việc thờ cúng tổ tiên như là “sợi dây” gắn kết để nhắc nhớ con cháu luôn nhớ và biết ơn những người đã khuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc dùng tiền thật, có giá trị kinh tế để mua những đồng tiền giấy, vàng mã… đốt cho “người âm” chẳng ai đo đếm được “hiệu quả” ở đâu? nhưng cái nhãn tiền mà ai cũng có thể nhìn thấy là sự lãng phí, gây hại nhiều đến môi trường và sức khỏe của con người.

Khi đời sống kinh tế phát triển hơn thì người ta lại “mạnh chi” cho việc đốt vàng mã hơn (Ảnh minh họa)

Khi đời sống kinh tế phát triển hơn thì người ta lại “mạnh chi” cho việc đốt vàng mã hơn (Ảnh minh họa)

Những nguy hại đầu tiên phải nói đến việc sản xuất tiền giấy, vàng mã sẽ tổn hại đến tài nguyên rừng. Thứ hai, là việc đốt vàng mã thải ra môi trường những làn khói nghi ngút, trực tiếp tác động đến bầu không khí và cũng có nhiều sự việc đáng tiếc liên quan đến hỏa hoạn từ việc đốt vàng mã gây ra.

Có thể kể đến, vào đầu tháng 2/2021, một trong những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng do đốt vàng mã xảy ra tại căn nhà hai tầng do nhóm sinh viên thuê trọ ở ngõ 73 Tam Khương (P. Khương Thượng, Q.Đống Đa) đã khiến 4 nạn nhân tử vong. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định do nhóm sinh viên sau khi tổ chức cúng ông Công, ông Táo, quá trình hóa vàng xong không dùng dụng cụ chứa đựng và không đổ nước dập tro tàn dẫn đến vụ hỏa hoạn. Và khi được phát hiện, 4 nạn nhân đã tử vong vì ngạt khí độc.

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy tiềm ẩn từ việc đốt vàng mã, những năm gần đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều hành động quyết liệt nhằm chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh Phật giáo, trong đó có việc ban hành văn bản chỉ đạo việc không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có Công văn gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lưu ý “nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo...".

Cần xóa bỏ những hiện tượng mê tín đị doan từ tục đốt vàng mã

Cần xóa bỏ những hiện tượng mê tín đị doan từ tục đốt vàng mã

Thực tế, pháp luật hiện nay chỉ xử lý hành chính đối với hành vi đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích, không có quy định về cấm đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung, tại nhà riêng của cá nhân.

Nhiều nhà nghiên cứu phong thủy cho rằng, để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, và để những giá trị văn hóa tốt đẹp được lưu giữ với thời gian, việc xóa bỏ những hiện tượng mê tín đị doan từ tục đốt vàng mã là hết sức cần thiết. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã đề xuất cấm đốt vàng mã, song cấm thế nào phải chờ cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể.

Có lẽ, không thể phán xét niềm tin, tín ngưỡng của mỗi người, song sẽ là mâu thuẫn nếu người ta sống không nhân văn, sẻ chia ở đời thực nhưng lại cầu kỳ lễ tiết với những điều tâm linh siêu thực. Như Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, nếu lạm dụng việc đốt vàng mã, phần tiêu cực sẽ lấn át cả phần tích cực. Khi sử dụng vàng mã thiếu hiểu biết, đốt vàng mã quá nhiều mà không nhận thức được đó chỉ là hành động mang tính tượng trưng thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và gây lãng phí của cải rất lớn cho xã hội.

Quan niệm về đốt vàng mã tại một số quốc gia trên thế giới:

Singapore: Người dân không ủng hộ đốt vàng mã

Tương tự như người Việt, mọi ngày lễ như Tết Âm lịch, Thanh minh, ngày rằm hay tang lễ Singapore đều có tục đốt vàng mã. Tuy nhiên, trong một khảo sát mới đây trên Reddit, hầu hết người dân Singapore tham gia bình luận đều cho biết họ cảm thấy truyền thống này đã lỗi thời bởi diện tích đất hẹp, chung cư chiếm đa số, khói bụi và ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt. Năm 2008, chính phủ Singapore từng khuyến khích người dân nên giảm bớt lượng vàng mã mỗi khi dâng lễ.

Malaysia: Không đốt vàng mã vào tháng Bảy Âm lịch

Tại Malaysia, tín đồ Phật giáo chỉ chiếm 30% dân số nhưng lượng vàng mã được tiêu thụ tại quốc gia này không nhỏ. Năm 2013, Tổng hội Phật giáo Malaysia đã ban hành một thông báo khuyến khích người dân nên giảm bớt lượng vàng mã đốt hàng năm để bảo vệ môi trường. Cụ thể, các dịp lễ trong tháng Bảy Âm lịch như cúng cô hồn, xá tội vong nhân… đều không đốt vàng mã. Hầu hết người dân đều ủng hộ và thực hiện theo hướng dẫn của Tổng hội.

Trung Quốc: Sẽ sớm từ bỏ phong tục đốt vàng mã

Trong một nghiên cứu của Cục Kiểm định chất lượng không khí Trung Quốc năm 2014, vàng mã hầu hết được sản xuất từ bột tre, bột gỗ và loại nước sạch có thể tái chế cho nông nghiệp. Là quốc gia đứng đầu châu Á về lượng tiêu thụ vàng mã, Trung Quốc cũng duy trì vị trí đầu tiên trong danh sách các quốc gia có lượng CO2 trong không khí và ô nhiễm nặng nhất thế giới.

Năm 2017, với chiến dịch làm sạch môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm tài nguyên môi trường của Chủ tịch Tập Cận Bình, tất cả những mặt hàng có sử dụng nguyên liệu từ tài nguyên thiên nhiên đều sẽ bị tăng thuế và giá bán. Đây là động thái góp phần nào giảm lượng tiêu thụ vàng mã của người dân.

Hong Kong (Trung Quốc): Yêu cầu các nhà chùa giảm kích thước lò đốt

Năm 2013, chính quyền Hong Kong cho biết mỗi dịp lễ lớn như Tết Âm lịch hay rằm, mức độ ô nhiễm không khí luôn cao gấp 4-5 lần do người dân đồng loạt đốt vàng mã. Bởi vậy, chính quyền tại đây đã yêu cầu người dân chỉ thực hiện nghi lễ này tại các đình, chùa, không thực hiện tại nhà riêng hay nơi công cộng để phòng tránh hỏa hoạn. Ngoài ra, các khu vực tôn giáo cần phải lắp đặt loại lò đốt đặc biệt để hạn chế lượng tro phát tán sau khi đốt và có kích thước phù hợp, không quá lớn.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tuc-dot-vang-ma-luu-giu-net-van-hoa-tam-linh-dung-sa-da-me-muoi-lang-phi-269520.html