Tung tăng du lịch số
Anh Hoàng đã 'rất ngạc nhiên' khi phát hiện ra vườn hoa nhỏ ngay bên cạnh trung tâm thương mại Vincom ở phố Bà Triệu, Hà Nội lại là một di tích cấp quốc gia, sau khi 'đi tour' qua trang web 3600 di tích quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội.
![Tham quan cụm di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng qua “tour 360⁰”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_113_51430516/e2b1ad8b97c57e9b27d4.jpg)
Tham quan cụm di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng qua “tour 360⁰”.
“Tôi không ngờ một vườn hoa nhỏ ấy lại là đàn Nam Giao ẩn chứa nhiều câu chuyện lịch sử kéo dài cả ngàn năm như thế”, Vũ Đình Hoàng, 37 tuổi, cán bộ kỹ thuật Mobifone nói.
Theo thông tin trên trang web, di tích cấp quốc gia đàn Nam Giao nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo sách vở về nghi lễ của các triều đại phong kiến, đây là khu vực linh thiêng, có khả năng “giao” giữa Đất và Trời, giữa Nhân và Thần và đặc biệt là giữa Thiên tử và Thiên Đế. Đây là đàn tế có lịch sử phát triển và tồn tại lâu dài nhất hiện biết, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê và một phần của thời Tây Sơn. Nói ngắn gọn, đây là công trình quan trọng trong văn hóa và tín ngưỡng Nho giáo, được các triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng để thực hiện Lễ tế Giao – nghi lễ quan trọng nhằm cầu cho quốc thái dân an.
Đến thời nhà Nguyễn, đàn bị phá để lấy gạch xây thành. Sau đó khu vực nền đàn Nam Giao bị biến thành khu nghĩa địa của thôn Thịnh Yên. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phá đàn Nam Giao để xây dựng nhà máy diêm. Năm 1956, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được xây dựng trên nền đất của đàn Nam Giao. Hiện nay tòa nhà thương mại được xây dựng ở một phần của khu vực đàn Nam Giao.
“Hằng ngày vẫn đi làm qua chỗ ấy mà nay nhờ “du lịch qua internet”, tôi mới biết thêm về di tích đàn Nam Giao ở thành Thăng Long xưa”, anh Hoàng nói.
Sự tò mò tiếp tục thôi thúc anh “đi tour” tiếp ở những di tích khác ở quận Hai Bà Trưng. Lần này anh chọn “thăm” cụm đền, chùa, đình Hai Bà Trưng, di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Những người xây dựng trang web đã dùng công nghệ ảnh 3D để “du khách” tham quan trực tuyến. “Hình ảnh sắc nét, rõ ràng. Các con trỏ dẫn hướng giúp “du khách” tự do “đi lại” ngắm nghía các di vật. Tôi thấy khá thú vị”, anh Hoàng cho hay.
Thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, trong năm 2024, quận đã hoàn thành việc biên soạn cuốn sách “Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội” và số hóa công tác quản lý hồ sơ tại các di tích mà cụ thể là cho ra đời Trang thông tin điện tử 360º di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội cùng mô hình “tham quan ảo” toàn bộ 51 di tích trên địa bàn quận…
Theo giới thiệu, mô hình tham quan ảo của quận Hai Bà Trưng sử dụng các công nghệ như hình ảnh 360º, công nghệ quét laser hiện vật để tổ chức các “tour ảo”. Công nghệ hình ảnh 360º cung cấp trải nghiệm tham quan ảo thông qua hình ảnh 360º, cho phép người dùng khám phá không gian của các di tích một cách toàn diện và sống động. Ngoài hình ảnh 360°, trang web còn sử dụng công nghệ quét laser để số hóa các hiện vật quan trọng trong di tích. Điều này giúp bảo tồn và giới thiệu chi tiết các hiện vật đến người xem trực tuyến.
“Các công nghệ ảnh 360° và quét laser hiện vật là những giải pháp phổ biến nhưng chưa phải là tiên tiến nhất trong lĩnh vực số hóa du lịch. Thế giới đã có những công nghệ, giải pháp để tổ chức tour ảo rất tinh vi”, kỹ sư công nghệ thông tin Trần Quốc Hòa, Công ty giải pháp công nghệ HT, nhận định.
Theo anh Hòa, trên thế giới hiện có nhiều loại công nghệ thực tế ảo có thể khiến “du khách” ngồi tại nhà mà vẫn có thể tung tăng ở mọi nơi, dù là ở tháp Eiffel, Vạn Lý Trường Thành hay Quảng trường Đỏ.
Công nghệ thực tế ảo (VR hay Virtual Reality) cho phép người dùng “đi bộ” và tương tác trong không gian số hóa. Công nghệ thực tế tăng cường (AR hay Augmented Reality) giúp người dùng chiêm ngưỡng di tích ngay trên màn hình điện thoại với hình ảnh mô phỏng 3D, hiển thị thông tin chi tiết hoặc thậm chí tái dựng lại các công trình cổ. Dự án văn hóa nghệ thuật Google Arts & Culture, Bảo tàng Anh hay Bảo tàng Louvre (Pháp) là những đơn vị đang ứng dụng các công nghệ ảo tiên tiến này để cung cấp trải nghiệm số cho người dùng khắp nơi trên thế giới.
Công nghệ song sinh số (digital twin) có thể mô phỏng bản sao kỹ thuật số chính xác của một địa điểm bằng dữ liệu quét 3D và AI. Các bảo tàng, thành phố, công trình lịch sử có thể được tái tạo chính xác đến từng chi tiết, giúp người dùng tham quan và tương tác như thật. Các thành phố du lịch nổi tiếng như Venice (Ý) hay Paris (Pháp) đang ứng dụng công nghệ này để tạo ra các “citytour” kỹ thuật số. Công nghệ Metaverse du lịch không chỉ cung cấp hình ảnh 360° mà còn xây dựng một thế giới ảo hoàn chỉnh, nơi người dùng có thể tham quan, giao tiếp, tham gia hoạt động tương tác như một chuyến đi thực tế. Công nghệ này cũng đang được nhiều nơi trên thế giới ứng dụng, tiêu biểu là Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất).
Đi tour ảo ngắm Thần Vệ nữ
Trong số các điểm đến nổi tiếng thế giới, Bảo tàng Louvre ở Pháp là một trong các đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ ảo. Louvre với lịch sử hơn 200 năm, chứa đựng vô số tác phẩm nghệ thuật quý giá, bao gồm các bức tranh nổi tiếng như Mona Lisa của Leonardo da Vinci hay bức tượng nữ thần tình yêu Venus de Milo.
Theo báo Anh The Guardian, trước khi bắt đầu chuyến thăm, “du khách” cần chuẩn bị một kính thực tế ảo (VR) như Meta Quest, HTC Vive, hoặc một thiết bị AR như điện thoại thông minh hoặc kính AR. Để sử dụng kính VR, khách cần tải xuống ứng dụng (app) của Louvre từ các nền tảng hỗ trợ VR, hoặc nếu sử dụng AR, bạn chỉ cần mở ứng dụng tương ứng.
Ngay khi đeo kính VR, du khách được “đưa” vào không gian hành lang rộng lớn của bảo tàng Louvre. Bạn sẽ thấy mình đứng ngay dưới Kim tự tháp Louvre bằng kính do kiến trúc sư người Trung Quốc I. M. Pei thiết kế, một biểu tượng của bảo tàng. Cảnh quan xung quanh rất sống động, ánh sáng nhẹ chiếu xuống từ mái kính.
Khi di chuyển về phía các cánh cửa, du khách có thể nhìn thấy các bức tranh và tác phẩm điêu khắc nổi tiếng từ xa. Sau đó, ta chỉ cần di chuyển về phía đó, giống như đang đi bộ trong không gian thực tế, qua các hành lang và phòng trưng bày khác nhau.
Louvre có những phòng trưng bày riêng biệt theo từng chủ đề như nghệ thuật Ai Cập, hội họa Phục Hưng, các tác phẩm Hy Lạp - La Mã. Chuyến tham quan qua VR cho phép bạn tự do chọn lựa và khám phá từng chủ đề theo sở thích.
![Bảo tàng Louvre cung cấp các tour kỹ thuật số và trải nghiệm trực tuyến nhằm thu hút và phục vụ lượng khách du lịch lớn từ khắp nơi trên thế giới.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_113_51430516/a598e2a2d8ec31b268fd.jpg)
Bảo tàng Louvre cung cấp các tour kỹ thuật số và trải nghiệm trực tuyến nhằm thu hút và phục vụ lượng khách du lịch lớn từ khắp nơi trên thế giới.
Và đã “tham quan” Bảo tàng Louvre thì không thể bỏ qua bức danh họa Mona Lisa: Bạn có thể đến gần tác phẩm nổi tiếng này và nhìn rõ từng chi tiết, từ đôi mắt đến nụ cười huyền bí của nàng. Bạn có thể xoay quanh bức tranh và nhìn thấy ánh sáng phản chiếu trên bề mặt của bức vẽ một cách sống động.
Tạm biệt người đẹp La Giocondo ( tiếng Ý, nghĩa là “vợ ông Giocondo”, nguyên mẫu của Mona Lisa), ta đến với biểu tượng của sắc đẹp, Thần Vệ Nữ đảo Milo. Bức tượng có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, tìm thấy năm 1820 trên đảo Milo của Hy Lạp này được tái hiện trong không gian VR với một độ chi tiết tuyệt vời, cho phép người xem di chuyển xung quanh và quan sát các góc độ của bức tượng. Bạn có thể cảm nhận độ rộng của không gian bảo tàng khi đứng bên cạnh các tác phẩm điêu khắc lớn.
Sau đó, khách có thể bước vào phòng trưng bày các tác phẩm của Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, và Caravaggio, chiêm ngưỡng các bức tranh từ nhiều góc độ, có thể zoom vào các chi tiết nhỏ như nét vẽ, lớp màu, và thậm chí những vết bẩn theo thời gian.
Bảo tàng Louvre đã cung cấp các tour kỹ thuật số và trải nghiệm trực tuyến nhằm thu hút và phục vụ lượng khách du lịch lớn từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến các chuyến thăm trực tiếp trở nên khó khăn. Các tour kỹ thuật số này giúp bảo tàng tiếp cận được với một đối tượng khách hàng rộng rãi hơn, không chỉ những người có thể đến Paris mà còn những người yêu nghệ thuật ở khắp mọi nơi.
Bảo tàng có thể bán vé trực tuyến cho các tour đặc biệt hoặc các trải nghiệm VIP. Việc tổ chức các buổi triển lãm và sự kiện trực tuyến cũng giúp bảo tàng thu hút sự quan tâm và có thể thu phí tham gia. Việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số hiện đại và hấp dẫn giúp Louvre thu hút các nhà tài trợ, đối tác công nghệ, hoặc các hợp tác kinh doanh khác để tạo ra nguồn thu bền vững.
Các tour kỹ thuật số không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn là một nguồn thu nhập quan trọng cho bảo tàng, đặc biệt trong các giai đoạn ngành du lịch và văn hóa gặp nhiều khó khăn.
“Ở Việt Nam, tuy chưa có nhiều công nghệ hiện đại nhưng các bảo tàng, các di tích hay các thành phố đã bắt đầu ứng dụng công nghệ, tôi cho là điều đáng mừng”, anh Vũ Đình Hoàng nói. Anh cho hay nhờ tìm hiểu đàn Nam Giao qua tour kỹ thuật số, nay anh biết thêm về tấm bia điện Nam Giao, bảo vật quốc gia đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cũng thông qua ứng dụng số. “Nhất định hôm nào đó tôi sẽ dẫn trẻ con đến tận nơi để xem”, anh nói.
Tuy nhiên, muốn ngồi nhà mà vẫn tung tăng du lịch Paris hay Dubai, tuy không phải mất tiền vé máy bay hay khách sạn, du khách vẫn cần đầu tư. “Tôi được biết một chiếc kính Meta Quest VR cũng cả chục triệu đồng, chưa kể tiền chi cho app hay vé ảo. Tuy nhiên, du lịch ảo vẫn rẻ hơn rất nhiều so với các tour truyền thống”, anh Trần Quốc Hòa cho biết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tung-tang-du-lich-so-10299561.html