Tuột mất rể quý vì yêu cầu quá quắt của nhà gái trước đám cưới

Anh đã tỉnh táo lại trước yêu cầu quá đáng của nhà gái và quyết định chia tay. Lúc này, phía nhà gái hốt hoảng và muốn thương lượng lại, nhưng anh đã dứt khoát.

Mới đây, trên một diễn đàn trực tuyến, anh Nhan, chàng thanh niên đến từ Thượng Hải, Trung Quốc tham gia một chủ đề thảo luận bằng cách kể câu chuyện của mình. Anh và cô bạn gái người Giang Tây đã chung sống với nhau ở nước ngoài vài năm.

Sau đó, khi nghĩ đến chuyện sính lễ, anh tự đánh giá điều kiện kinh tế gia đình mình không tệ nên có thể tặng bạn gái 1 triệu tệ tiền mặt (gần 3,5 tỷ đồng) và một bất động sản ở trung tâm thành phố.

Nhưng hóa ra cô gái và gia đình không hài lòng với mức này, đòi hỏi họ đưa ra khiến anh Nhan sốc nặng: 18,88 triệu tệ tiền mặt (hơn 65 tỷ đồng), căn nhà tân hôn cũng phải sang tên cho cô.

Chàng rể cũng được yêu cầu mua thêm một căn hộ trong thành phố mà gia đình vợ sống, để cô có thể ở đó mỗi lần về thăm họ hàng.

Chưa hết, nhà gái còn yêu cầu lì xì cho mỗi người thân 100.000 tệ (gần 350 triệu đồng), bao vé máy bay hạng nhất, vàng bạc, trang sức và các phụ kiện khác.

Đằng gái không chỉ đòi sang tên nhà cho cô dâu mà còn yêu cầu số tiền sính lễ cực lớn. Ảnh minh họa

Đằng gái không chỉ đòi sang tên nhà cho cô dâu mà còn yêu cầu số tiền sính lễ cực lớn. Ảnh minh họa

Điều khiến cư dân mạng dở khóc dở cười là sau khi yêu cầu trên bị từ chối, mẹ cô gái liền mắng mỏ anh Nhan bảo rằng anh cưới được con gái bà là quá hời, món quà gần 19 triệu tệ chỉ là để lấy tiếng, nếu không thì bà sẽ cảm thấy rằng con gái mình không được yêu thương thực sự.

Cuối cùng, cư dân mạng cũng thở phào và hài lòng khi chàng trai cho biết anh đã tỉnh táo lại và quyết định chia tay bạn gái. Lúc này, phía nhà gái hốt hoảng và muốn thương lượng lại, nhưng anh Nhan đã dứt khoát.

Vấn nạn sính lễ quá cao ở Trung Quốc

Hiện nay, ít chủ đề nào gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc nhiều như vấn nạn sính lễ. Theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần quan trọng của hôn lễ, gồm tiền mặt và nhiều món đồ khác như vàng, trang sức, thậm chí là tài sản như nhà, xe, để trao cho nhà gái.

Đầu năm nay, bài báo với tiêu đề "Cô dâu ở Giang Tây đòi sính lễ nhà trai ở Thượng Hải mức giá 2,75 triệu USD" đã vươn lên dẫn đầu danh sách tìm kiếm trên nhiều nền tảng mạng xã hội, gây xôn xao dư luận nước này.

Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, sính lễ là điều bắt buộc, là tập tục được lưu truyền từ nhiều đời, còn gọi là của hồi môn. Đó có thể là tiền, tài sản hoặc hình thức của cải nào đó mà nhà trai phải tặng nhà gái trước khi lễ cưới diễn ra.

Chính quyền nhiều địa phương đặc biệt là khu vực phía Bắc Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách ngăn chặn tập tục này. Dù vậy, yếu tố bị coi là trở ngại để ổn định "thị trường hôn nhân" vùng nông thôn này, vấn nạn sính lễ vẫn tồn tại.

Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, sính lễ là điều bắt buộc, là tập tục được lưu truyền từ nhiều đời, còn gọi là của hồi môn. Ảnh minh họa

Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, sính lễ là điều bắt buộc, là tập tục được lưu truyền từ nhiều đời, còn gọi là của hồi môn. Ảnh minh họa

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, sính lễ này vốn mang ý nghĩa "là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân bằng cách buộc họ tuân theo nghi lễ".

Tuy nhiên ngày nay, nghi lễ xưa đã nhường chỗ cho "mức giá của cô dâu". Sinh lễ được hiểu cụ thể là "tiền bồi thường" mà nhà trai phải gửi nhà gái và hỗ trợ tài chính với cặp đôi mới cưới.

Tại các vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc như Hà Nam, Sơn Đông và An Huy, cha mẹ cô dâu thường không giữ sính lễ cho riêng mình vì sợ bị buộc tội "bán con gái". Thay vào đó, họ đưa lại cho cô dâu để dùng cho cuộc sống sau này.

Bách Hợp (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tuot-mat-re-quy-vi-yeu-cau-qua-quat-cua-nha-gai-truoc-dam-cuoi-172250221092117054.htm