Tuyên án các đối tượng trục lợi từ dự án nghìn tỷ

Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đăk Lăk đã tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ án 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' và 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' xảy tại dự án xây dựng hồ chứa nước Krông Păk Thượng.

Các bị cáo tại phiên tòa gồm: Đỗ Văn Hưu (SN 1970, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1984), Lê Thành Nguyên (SN 1983) và Lê Sơn (SN 1985) - đều nguyên là cán bộ địa chính xã Cư Elang bị truy tố “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Có 6 bị cáo là 3 cặp vợ chồng gồm: Y Thoai Byă (SN 1962), H’Blút Niê (SN 1967), Y Wem Byă (SN 1971), H’Nĩ Niê (SN 1965), Y Thiên Ktla (SN 1962) và H’Nút Byă (SN 1965, cùng ngụ xã Cư Elang) cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do có hành vi đồng phạm, giúp sức cho các cán bộ thực hiện hành vi phạm tội.

Với các tội danh nói trên, bị cáo Đỗ Văn Hưu (cựu chủ tịch xã Cư Elang, huyện Ea Kar, Đăk Lăk) bị tuyên phạt 9 năm tù. Bị cáo Hoàng Trọng Nghĩa, Lê Thành Nguyên và Lê Sơn (cùng là cựu cán bộ địa chính xã Cư Elang), mỗi bị cáo bị tuyên phạt 10 năm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cũng với tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, bị cáo Y Thoai Byă bị tuyên phạt 3 năm sáu tháng tù. Các bị cáo H’Nĩ Niê, Y Thiên Ktla và H’Nút Byă (SN 1965, đều trú tại xã Cư Elang) bị tuyên phạt mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Y Wem Byă (cùng trú xã Cư Elang) bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đăk Lăk, dự án hồ chứa nước Krông Păk Thượng được Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn phê duyệt vào năm 2009 với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó, diện tích đất thực hiện điểm tái định cư số 1 thuộc địa giới hành chính xã Cư Elang do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Khi biết được chủ trương thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ quá trình thực hiện dự án nêu trên, một số cán bộ địa chính xã Cư Elang đã chuyển nhượng đất trái phép. Họ nhờ các hộ gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đứng tên trên các hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ.

Đối với ông Đỗ Văn Hưu là Chủ tịch UBND xã Cư Elang, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất đã thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công việc của cán bộ địa chính thuộc quyền và đã ký xác nhận vào hồ sơ đề nghị bồi thường đất và hỗ trợ trái quy định gây thiệt hại cho nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng.

Những người dân đã ký xác nhận về nguồn gốc đất, quá trình canh tác sử dụng đất không đúng dẫn đến bồi thường sai, gây thiệt hại Nhà nước gần 4,7 tỷ đồng.

Bị cáo Lê Sơn là Thư ký Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất của UBND xã, được giao nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, về xác minh nguồn gốc đất các hộ bị thu hồi Phương án đợt 3. Từ năm 2013-2015, Sơn đưa cho Nghĩa số tiền 60 triệu đồng góp mua đất rẫy tại khu vực buôn Ea Rớt để canh tác và bán kiếm lời.

Sơn xác nhận thông tin về nguồn gốc và trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp của hộ ông Y Thoai Byă và hộ bà H’Nĩ Niê như nội dung kê khai. Trong số tiền nhận bồi thường của các hộ, Sơn thừa nhận đã nhận từ Nghĩa số tiền 1,1 tỷ đồng.

Đối với sáu bị cáo còn lại, Y Thoai Byă, H’Blút Niê, Y Wem Byă, H’Nĩ Niê, Y Thiên Ktla và H’Nút Byă là những người dân tộc thiểu số khó khăn, có trình độ học vấn thấp, làm ăn sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa, nhận thức pháp luật có hạn chế nhưng vì hám cái lợi nên tiếp tay cho cán bộ sai phạm. Những người được nhờ đứng tên sử dụng đất trong các hồ sơ bồi thường, hỗ trợ sai quy định, bị cáo buộc là đồng phạm với vai trò giúp sức cho các cán bộ địa chính xã này thực hiện hành vi phạm tội...

Nguyễn Thanh-Hà Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tuyen-an-cac-doi-tuong-truc-loi-tu-du-an-nghin-ty-n185955.html