Tuyên bố sốc của ông Trump từ Phòng Bầu dục

Tân tổng thống tuyên bố Mỹ sẽ rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, cáo buộc cơ quan y tế toàn cầu xử lý sai lầm đối với đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng y tế quốc tế khác.

 Ông Donald Trump trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 20/1. Ảnh: Reuters.

Ông Donald Trump trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 20/1. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố được đưa ra khi Tổng thống Mỹ thứ 47 vừa nhậm chức đang ký loạt sắc lệnh hành pháp trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 20/1, theo giờ địa phương.

Ông Trump cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã "ứng phó sai với Covid-19" và "không thông qua các cải cách cần thiết" để xử lý đại dịch này.

Ông nhận định WHO yêu cầu Mỹ "trả những khoản chi phí quá cao một cách bất công", trong khi mức chi trả của Trung Quốc ít hơn.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ trích WHO từ năm 2020, không đồng tình với cách tiếp cận của tổ chức này đối với Covid-19 và đe dọa sẽ ngừng khoản viện trợ của Mỹ.

Vào Tháng 7/2020, ông Trump chính thức thực hiện các bước để rút khỏi WHO. Tuy nhiên, sau khi thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tiến trình này dừng lại. Vào ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống 20/1/2021, ông Joe Biden đã ngăn chặn sắc lệnh này.

Nếu rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ cho tổ chức y tế công cộng toàn cầu này. Một động thái như vậy sẽ khiến cơ quan đa phương quan trọng mất một phần năm nguồn tài trợ, dẫn tới khả năng cắt giảm các hoạt động y tế công cộng trên toàn cầu, gây áp lực buộc tổ chức phải thu hút nguồn tài trợ tư nhân và tạo cơ hội cho các quốc gia khác tác động đến WHO.

Các quốc gia khác cũng khó có khả năng bù đắp được khoản tài trợ bị hao hụt nếu ông Trump thực sự hiện thực hóa tuyên bố gây sốc của mình.

WHO nỗ lực cải thiện sức khỏe cho hàng triệu người trên toàn cầu - từ nỗ lực xóa sổ bệnh bại liệt và bệnh lao cho đến điều phối công tác phòng chống HIV và AIDS của Mỹ tại châu Phi.

Việc Mỹ rút tài trợ cũng sẽ gây áp lực buộc WHO Foundation (Quỹ WHO) phải bù đắp khoản thiếu hụt. Tổ chức Thụy Sĩ độc lập này được thành lập trong thời kỳ đại dịch để gây quỹ từ "các tác nhân phi nhà nước", bao gồm các cá nhân và tập đoàn giàu có. Quỹ được công bố vào tháng 5/2020, cùng thời điểm ông Trump đe dọa sẽ rút tài trợ của Mỹ khỏi WHO.

"WHO đóng vai trò quan trọng trong an ninh y tế toàn cầu, các đợt bùng phát và xóa sổ dịch bệnh, các trường hợp khẩn cấp quốc tế và huy động hợp tác toàn cầu", ông Anil Soni, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ WHO, cho biết trong một tuyên bố.

"Tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới. Các chương trình giám sát dịch bệnh, ứng phó với dịch bệnh và chuẩn bị ứng phó với đại dịch của tổ chức này giúp ngăn ngừa sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng, thị trường quốc tế và thương mại. Không có tổ chức nào khác có năng lực và quy mô ngang tầm để phối hợp các nỗ lực ứng phó nhanh quốc tế, chia sẻ nghiên cứu và đổi mới y tế, cũng như phổ biến thông tin quan trọng trên toàn thế giới như vậy", ông Soni nhấn mạnh.

 Các sắc lệnh, chỉ thị liên tục được ký ở nhiều địa điểm, gồm tòa nhà quốc hội tại Đồi Capitol, Nhà Trắng và nhà thi đấu Capital One Arena, nơi diễn ra sự kiện ăn mừng sau lễ nhậm chức. Ảnh: Reuters.

Các sắc lệnh, chỉ thị liên tục được ký ở nhiều địa điểm, gồm tòa nhà quốc hội tại Đồi Capitol, Nhà Trắng và nhà thi đấu Capital One Arena, nơi diễn ra sự kiện ăn mừng sau lễ nhậm chức. Ảnh: Reuters.

Các nhà tài trợ trước đây của WHO Foundation bao gồm Nestlé, Maybelline và Meta.

Là một cơ quan của Liên Hợp Quốc, WHO được thành lập vào năm 1948 với sự trợ giúp của Mỹ thông qua một nghị quyết chung của Quốc hội. Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất, cung cấp khoảng 22% tổng số đóng góp của tất cả các quốc gia thành viên.

Mỹ là quốc gia thành viên duy nhất có thể rút khỏi cơ quan này. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cung cấp 1,2 tỷ USD cho WHO vào năm 2023 - một phần nhỏ trong ngân sách 6.100 tỷ USD của chính phủ liên bang và tương đương với số tiền ông Joe Biden đã chi trong một đợt xóa nợ cho vay sinh viên vào năm 2024.

Mặc dù theo luật định, Mỹ phải đưa ra thông báo bằng văn bản về ý định rút lui một năm trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào, nhưng các chuyên gia pháp lý lo ngại rằng nguồn tài trợ cho WHO có thể biến mất gần như chỉ sau một đêm.

Trong một động thái đáng chú ý khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/1 ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris ngay trong ngày đầu nhậm chức, trước những người ủng hộ tại Đấu trường Capital One ở Washington.

"Tôi ngay lập tức rút khỏi thỏa thuận bất công, thiên vị này. Mỹ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của mình trong khi Trung Quốc gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt", ông Trump nói.

Thỏa thuận khí hậu Paris được các chính phủ thống nhất vào năm 2015, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp để tránh tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Các sắc lệnh, chỉ thị của tân tổng thống liên tục được ký ở nhiều địa điểm, gồm tòa nhà quốc hội tại Đồi Capitol, Nhà Trắng và nhà thi đấu Capital One Arena, nơi diễn ra sự kiện ăn mừng sau lễ nhậm chức.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

Ông Trump ký chồng lệnh hành pháp và không quên châm chọc ông Biden Ông Trump ký nhiều lệnh hành pháp đảo ngược quyết sách của chính quyền tiền nhiệm. “Ai có thể tưởng tượng ông Biden làm điều này không? Tôi không nghĩ vậy”, ông nói.

Dương Lam

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuyen-bo-soc-cua-ong-trump-tu-phong-bau-duc-post1526244.html