Tuyên Quang bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng

Chiều 19/2, Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang'. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa.

Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm.

Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm.

Trải qua hàng trăm năm, 2 dòng chảy tín ngưỡng thuần Việt là thờ Mẫu và Thiền Trúc Lâm đã cùng song hành trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam nói chung và người dân Tuyên Quang nói riêng. Chính sự kết hợp hài hòa giữa hai dòng tín ngưỡng đã góp phần định hình một nét văn hóa đặc sắc của Tuyên Quang, giúp Tuyên Quang không chỉ được biết đến là vùng đất của lịch sử và cách mạng mà còn trở thành điểm đến tâm linh linh thiêng của du khách thập phương.

Các đền, chùa, thiền viện tại Tuyên Quang không chỉ là không gian hành hương, mà còn là những di tích chứa đựng lớp trầm tích văn hóa, lịch sử tâm linh của dân tộc, là không gian thanh tịnh để con người tìm về sự tĩnh lặng, tu dưỡng tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề.

Đại biểu tham dự tọa đàm.

Đại biểu tham dự tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra các ý kiến về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu và Thiền Trúc Lâm, những góc nhìn mới, những đề xuất thiết thực để tín ngưỡng thờ Mẫu và Thiền Trúc Lâm tiếp tục được bảo tồn, và có sức sống mạnh mẽ trong đời sống hiện đại, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh Tuyên Quang.

Bàn về sự dung hợp giữa tín ngưỡng thờ mẫu và Phật giáo ở Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trương Quốc Bình, Nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, cho đến nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất ở Việt Nam.

Văn hóa Phật giáo trong quá trình giao thoa, tiếp biến đã trở thành một chỉnh thể không thể tách rời với văn hóa dân tộc. Trong quá trình đó, sự dung hợp và gắn kết với tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang gắn kết mạnh mẽ.

Cho đến nay, ở hầu khắp các địa phương có khá nhiều ngôi chùa thờ Phật có ban hoặc cung thờ Mẫu. Cùng với đó, tín ngưỡng thờ Mẫu vốn được coi là tín ngưỡng dân gian bản địa quan trọng nhất, đã tồn tại và có sức sống mãnh liệt trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tại nhiều địa phương, các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã và đang diễn ra rất sôi động, thu hút và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Các hoạt động thờ Mẫu và thờ Phật đã hòa quyện, gắn kết với nhau chặt chẽ trong những hoạt động phát huy giá trị của di tích, danh thắng, phục vụ phát triển du lịch tại các trọng điểm nổi tiếng cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội thảo luận tại tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội thảo luận tại tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm ở Tuyên Quang đang đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức như biến tướng tín ngưỡng, thương mại hóa lễ hội, sự mai một trong thực hành nghi lễ truyền thống và tác động của du lịch tâm linh...

Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang là một nhiệm vụ quan trọng, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị nhân văn và đạo đức trong tín ngưỡng thờ Mẫu và Thiền Trúc Lâm; cần có những chính sách quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể; chống thương mại hóa thái quá và biến tướng tín ngưỡng; gắn kết Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm với phát triển du lịch tâm linh bền vững...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang cần đổi mới cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào công tác truyền thông quảng bá để lan tỏa giá trị di sản đến với công chúng; công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản tín ngưỡng, tôn giáo cần được đầu tư, nghiên cứu sâu hơn để tạo sự kết nối giữa các địa phương, giữa di sản vật thể và phi vật thể.

Thông qua sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng để góp phần lan tỏa hơn nữa sự đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau cũng tiến bộ, phát triển, cùng thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích “sống tốt đời, đẹp đạo”.

Đồng thời, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý về văn hóa, thường xuyên quan tâm, quản lý, đồng hành, định hướng để văn hóa tín ngưỡng thật sự là sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

HẢI CHUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tuyen-quang-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-truyen-thong-cua-dao-mau-va-thien-truc-lam-trong-doi-song-tin-nguong-post860669.html