Tuyệt đối không làm điều này khi sơ cứu người đột quỵ não

Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não cần tuyệt đối không để nạn nhân nằm ngửa mà nên nằm nghiêng...

Thời gian gần đây, với sự thay đổi thời tiết đột ngột khi giao mùa, tình trạng người bệnh đột quỵ não ngày càng gia tăng. Nhiều trường hợp nhập viện khi bệnh đã chuyển biến rất nặng, do vậy việc phát hiện sớm và xử trí ban đầu đúng vô cùng quan trọng, giúp hiệu quả điều trị được tốt hơn.

Đáng nói, nhiều người cảm thấy lúng túng khi chứng kiến những trường hợp đột quỵ não mà không biết cách xử trí. Có những trường hợp người bệnh bị đột quỵ não mà người nhà xử trí chưa đúng cách.

Điển hình, người bệnh Đ. Đ. Q. (60 tuổi trú tại Đông Triều – Quảng Ninh) ở nhà xuất hiện nói khó, tê yếu nửa người trái. Thấy nhiều người mách bảo, người vợ đã dùng vật nhọn chích vào toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân của người bệnh sau đó nặn máu với hy vọng người bệnh sẽ ổn hơn. Sau chích máu 20 phút, người bệnh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí và được chẩn đoán nhồi máu não.

Đây là một trong những sai lầm khi xử trí ban đầu cho người bệnh do có thể gây tình trạng nhiễm trùng tại vị trí chích máu, máu chảy khó cầm đối với người bệnh đột quỵ não có rối loạn đông máu, làm kéo dài thêm thời gian đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Các bác sĩ khuyến cáo, có rất nhiều sai lầm thường gặp trong sơ cứu đột quỵ não, do vậy người dân khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não cần tuyệt đối không để nạn nhân nằm ngửa mà nên nằm nghiêng... Không cho người bệnh ăn uống hay sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không dùng kim chích các đầu ngón tay hay chân của người bệnh. Không thực hiện cạo gió. Không nên để người bệnh nằm lâu 1 chỗ mà cần khẩn trương đưa đi cấp cứu.

Chuyên gia y tế cũng hướng dẫn, khi thấy người bệnh đột quỵ não, chúng ta cần bình tĩnh và thực hiện các bước sơ cứu ban đầu như đặt người bệnh ở tư thế nằm, kê đầu với độ cao khoảng 30-40 độ; Nới rộng quần áo thông thoáng; Xoay người bệnh sang một bên để không bị sặc (vì trong cổ họng lúc này có thể có nhiều đờm rãi, xoay nghiêng sẽ giúp đờm rãi chảy ra ngoài, không chảy ngược gây bít tắc đường thở);

Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng cấp cứu trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là giờ vàng của đột quỵ não dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tuyet-doi-khong-lam-dieu-nay-khi-so-cuu-nguoi-dot-quy-nao-post636072.html