Tỷ lệ đô thị hóa tại Thanh Hóa thấp hơn so với bình quân cả nước

Với tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thanh Hóa hiện mới đạt khoảng 36%, thấp hơn trung bình chung cả nước là khoảng 41,5%. Địa phương này phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%...

Góc nhìn từ trên cao thành phố Thanh Hóa

Góc nhìn từ trên cao thành phố Thanh Hóa

Thanh Hóa hiện có 23 huyện đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện, đạt 100%; các đô thị thành phố, thị xã, thị trấn đều được phê duyệt quy hoạch chung, đạt 100% với chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được nâng cao, làm cơ sở để quản lý quy hoạch, kế hoạch hóa đầu tư.

Đây còn là công cụ để quản lý quá trình phát triển đô thị, nông thôn, nhất là vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thu hút nhiều dự án đầu tư.

THANH HÓA XÂY DỰNG 4 ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Đến thời điểm hiện nay, hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa có 34 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 30 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%, tăng hơn 25,6% so với năm 2010. Như vậy, trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thanh Hóa vẫn thấp hơn trung bình cả nước.

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có kế hoạch số 57 để quán triệt thực hiện.

Ngoài các mục tiêu chung, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn đề ra nhiều mục tiêu tổng quát như việc phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh theo đúng quy hoạch.

Nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra trên cơ sở phân tích hiện trạng và điều kiện phát triển đô thị hiện tại. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.

Theo quy hoạch xây dựng, số lượng đô thị toàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 khoảng 45 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh đến 2025 phấn đấu đạt 75%, đến năm 2030 phấn đấu đạt 85% của toàn tỉnh.

Lộ trình đến 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng các thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn, các thị xã Bỉm Sơn và Nghi Sơn thành đô thị thông minh, kết nối các đô thị thông minh của khu vực và quốc gia.

Lộ trình đến 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng thị xã Bỉm Sơn thành đô thị thông minh

Lộ trình đến 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng thị xã Bỉm Sơn thành đô thị thông minh

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch số 275 về phát triển hệ thống đô thị nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa, phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; đảm bảo đến năm 2025 đạt mục tiêu đô thị hóa 40% trở lên.

PHÁT TRIỂN THANH HÓA THEO “VÀNH ĐAI MỞ KẾT HỢP MẠNG LƯỚI MỀM”

Theo đó, đến 2025 Thanh Hóa sẽ phát triển 1 đô thị loại I là TP Thanh Hóa (sáp nhập TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn); 2 đô thị loại III gồm TP Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn; 1 đô thị loại IV là thị xã Nghi Sơn và 29 thị trấn là đô thị loại V.

Bên cạnh đó, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; có chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

Thông tin từ Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa cho biết, quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thịnh vượng, hiện đại, sinh thái, giàu bản sắc, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn. Tầm nhìn của đô thị hướng tới một “Thành phố hội tụ, kết nối phát triển” với vai trò là một trung tâm liên kết vùng Bắc Trung Bộ với đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào.

Hướng phát triển đô thị TP Thanh Hóa theo mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm”, lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị. Đến nay TP Thanh Hóa là một trong những đô thị hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung bộ và Nam Đồng bằng Sông Hồng, là đô thị loại I, cùng với TP. Vinh và TP. Huế là 1 trong 3 đô thị có quy mô dân số, diện tích lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ.

Hiện nay đã xuất hiện nhiều yếu tố mới mang tính động lực phát triển cho thành phố như các hạ tầng giao thông mới của quốc gia và sự tăng trưởng mạnh của khu vực ven biển Thanh Hóa là cơ sở để tính toán đến việc điều chỉnh một số định hướng phát triển lớn của TP Thanh Hóa theo hướng mở rộng, tạo ảnh hưởng lớn hơn tới các vùng, miền trong tỉnh.

Huyện Đông Sơn hiện tại tập trung các tuyến giao thông quan trọng mang tính chất cửa ngõ như: QL45, QL47, đường Cao tốc Bắc - Nam, đường nối Trung tâm TP. Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, tạo ra cơ hội hình thành các chức năng mang tính chất động lực phát triển như công nghiệp, dịch vụ - thương mại, dịch vụ vận tải và logistics...

Việc mở rộng quy hoạch chung TP Thanh Hóa theo hướng sáp nhập huyện Đông Sơn, vừa tăng cường các chức năng trụ cột cho thành phố; đồng thời phù hợp với phương hướng sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện do điều kiện huyện Đông Sơn có quy mô diện tích quá nhỏ so với tiêu chuẩn. Cùng với đó có mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa, lịch sử truyền thống giữa huyện Đông Sơn và Thành phố Thanh Hóa.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ty-le-do-thi-hoa-tai-thanh-hoa-thap-hon-so-voi-binh-quan-ca-nuoc.htm