Tỷ lệ học sinh đến lớp thấp, nhiều trường chuyển trạng thái dạy học online
Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán các ca F0 trong học sinh, giáo viên tăng nhanh gây ra không ít khó khăn cho việc tổ chức dạy và học. Đặc biệt là tỷ lệ học sinh đến lớp thấp khiến nhiều trường phải chuyển trạng thái học online.
Tỷ lệ học sinh đến lớp thấp buộc nhà các trường phải chuyển trạng thái học online
Thầy Lê Văn Bình, Hiệu trưởng Trường TH Quảng Thành, TP Thanh Hóa cho biết: Nếu như tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ tết chỉ xuất hiện một vài ca F0, thì những tuần tiếp theo số ca F0 tăng nhanh ở cả học sinh và cán bộ giáo viên.
Tính đến ngày 2-3 nhà trường có 319 học sinh F0 (trong đó có 70 học sinh đã âm tính nhưng vẫn trong thời gian cách ly y tế); 16 cán bộ, giáo viên F0 (trong đó có 4 cán bộ giáo viên đặc thù; 12 giáo viên chủ nhiệm các đầu lớp).
Theo thầy Bình, lớp có 10 trường hợp F0 trở lên mới tiến hành học online. Tuy nhiên, tâm lý phụ huynh khi lớp xuất hiện ca F0 thì đa phần đều chủ động xin phép cho con em học online vì sợ đến lớp sẽ bị lây nhiễm.
Chị Nguyễn Thị D có con học lớp 2, Trường TH Quảng Thành chia sẻ: “Khi lớp cháu xuất hiện các ca F0, tâm lý tôi cũng như các thành viên gia đình, rất lo con bị lây nhiễm nên chủ động xin cô chủ nhiệm cho cháu được nghỉ học, học online ở nhà.
Các trường mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hóa gần như không có trẻ đến trường.
Đó không chỉ là tâm lý của chị D mà của đại đa số phụ huynh nhà trường. Theo thầy Bình, thời gian đầu nhà trường vẫn linh hoạt trong việc vừa dạy trực tiếp, vừa dạy online ở nhà. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn do tỉ lệ học sinh đến lớp thấp, buộc nhà trường phải chuyển sang trạng thái dạy online.
“Nếu lớp có F0 thì kéo theo nhiều F1, chưa kể số lượng F1 trong cộng đồng khi học sinh có bố, mẹ hay người thân là F0. Bên cạnh đó là tâm lý phụ huynh sợ con bị lấy nhiễm dịch nên chủ động cho con em nghỉ học ở nhà. Có thời điểm cả trường chỉ có hơn 30 học sinh, rồi xuống 15 học sinh… Việc tỷ lệ học sinh đến lớp thấp, buộc nhà trường phải chuyển trạng trái học online toàn trường”, thầy Bình nói.
Tường tự, Trường THCS Đông Thọ, TP Thanh Hóa hiện chỉ còn 4 lớp khối lớp 9 duy trì việc học trực tiếp. Thầy Chu Đăng Phan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có 23 cán bộ giáo viên F0 và số ca F0 ở học sinh là 386.
Việc F0 tăng nhanh và tâm lý phụ huynh sợ con em đến trường bị lây nhiễm chéo khiến cho có những hôm mỗi lớp chỉ có 1 đến 2 học sinh đến lớp. Để thích ứng với tình hình trên, nhà trường buộc phải chuyển trạng thái sang học online.
Với cán bộ, giáo viên là F0 nếu triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thì vẫn đảm nhiệm việc dạy online. Nhờ tinh thần của thầy cô nên vẫn đảm bảo chương trình dạy và học.
Thầy Chu Đăng Phan, Hiệu trưởng trường THCS Đông Thọ cho biết, việc xã hội hóa 100% máy chiếu và tivi màn hình lớn trong các lớp giúp cho việc tổ chức dạy trực tuyến thuận lợi trong thời điểm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh
Bên cạnh đó, nhờ việc thực hiện xã hội hóa trong đầu tư máy chiếu, tivi màn hình lớn, kết nối Wifi đồng bộ, việc thầy cô ở nhà vẫn có thể dạy trực tuyến cho hai đối tượng học sinh (nhóm tập trung trên lớp và nhóm học sinh cách ly ở nhà). Đơn cử, ở 4 nhóm lớp đang học tập trung thì chỉ có 2 nhóm lớp thầy cô lên lớp, 2 nhóm còn lại giáo viên là các F0 ở nhà dạy trực tuyến.
Với khối mầm non không thể tổ chức học online, các nhà trường vẫn tổ chức đón trẻ bình thường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số các trường trong tình trạng không có trẻ đến trường.
Bà Ngô Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Sơn, TP Thanh Hóa cho biết: Từ ngày 2-3 nhà trường không tổ chức ăn bán trú mà chỉ tổ chức học 2 buổi trên ngày. Tuy nhiên đa phần gia đình không đưa trẻ đến trường do tâm lý ngại dịch.
“Thay vì đón trẻ, tổ chức dạy và học thì nhiệm vụ của các cô bây giờ là trao đổi chuyên môn; dọn dẹp về sinh, cảnh quan nhà trường”, bà Loan thông tin thêm.