Ứng dụng AI trong quản lý giao thông đô thị Hà Nội

Trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển, AI đang trở thành động lực then chốt thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực, và giao thông đô thị không phải ngoại lệ.

Ứng dụng công nghệ AI giúp xử lý thông tin, phân tích xu hướng và dự đoán các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Ứng dụng công nghệ AI giúp xử lý thông tin, phân tích xu hướng và dự đoán các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Quản lý giao thông thông minh

Từ tháng 1/2025 đến nay, gần một trăm cảm biến đo đếm lưu lượng phương tiện lưu thông đã được lắp đặt tại các tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những cảm biến này sẽ truyền hình ảnh về Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội, để rồi công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ xử lý, phân tích xu hướng giao thông và đưa ra dự đoán các điểm có nguy cơ ùn tắc. Nhờ đó, lực lượng cảnh sát giao thông có thể điều khiển và lập trình đèn tín hiệu giao thông từ xa mà không cần điều chỉnh trực tiếp tại các tủ điều khiển giao thông.

Ông Nguyễn Kỳ Nam, phụ trách Đội vận hành và giám sát giao thông của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, hệ thống máy chủ AI thế hệ mới, có khả năng tính toán lên đến 100 nghìn tỷ phép tính trong một giây. Nhờ có công nghệ AI, hệ thống sẽ phân tích trong khung giờ đó có bao nhiêu phương tiện lưu thông cùng một lúc. Lưu lượng giao thông được tối ưu hóa không chỉ giảm thời gian chờ mà còn giúp giảm số lượng phương tiện dừng đỗ không cần thiết, từ đó cắt giảm lượng khí thải, cải thiện an toàn đường bộ và giảm thiểu áp lực cho người lái xe.

Tối ưu lưu lượng giao thông chỉ là một trong những ứng dụng của AI trong Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System – ITS). Hiện nay, các thành phố lớn trên thế giới như Singapore, London và New York đã bắt đầu triển khai các hệ thống ITS để theo dõi và điều tiết lưu lượng giao thông theo thời gian thực. Những hệ thống này được sử dụng để giải quyết các vấn đề về giao thông đường bộ, trong đó bao gồm giám sát an ninh công cộng, cảnh báo tắc đường, phát hiện vi phạm giao thông, hệ thống đếm lưu lượng xe… Không nằm ngoài xu thế, Hà Nội đã và đang triển khai các gói giải pháp ứng dụng AI trong lĩnh vực kiểm soát giao thông và thí điểm mô hình giao thông thông minh.

Được đưa vào thí điểm từ năm 2024, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội với hệ thống phần mềm quản lý và thiết bị ngoại vi, có 12 chức năng cơ bản gồm: Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng; quản lý vận tải; quản lý nhu cầu giao thông; mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải. AI sẽ từng bước được ứng dụng với những chức năng này nhằm mang đến giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành giao thông thành phố.

Gần nhất, Hà Nội, Bình Dương và một số thành phố lớn khác trên cả nước dự kiến sẽ phối hợp cùng VinBus để triển khai gói giải pháp quản lý xe công cộng BMS. Gói ứng dụng công nghệ AI được xây dựng dựa trên nền tảng các giải pháp và thiết bị công nghệ, như tự động phân tích dữ liệu và tính toán chính xác thời gian xe đến điểm đón/trả khách (bSmartETA), bản đồ số (bMap), thiết bị định vị (bGPS), thiết bị AI Box giúp giám sát hành khách và lái xe (bHub) và phần mềm bản đồ xe buýt dành cho hành khách. Với việc tích hợp này, lịch trình xe buýt sẽ được bảo đảm, các phương tiện di chuyển đúng giờ, giảm thời gian chờ đợi cho hành khách và tránh những điểm ùn tắc không cần thiết.

Theo nhận định của PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải, Trường đại học Việt Đức, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều đổi mới. Hệ thống giao thông thông minh giúp tối ưu các luồng lưu thông, làm cho giao thông thông suốt. Theo đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian lưu thông, giảm chi phí nhiên liệu và lượng phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, giao thông thông minh cũng góp phần giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, giảm khả năng xảy ra tai nạn giao thông, cũng như góp phần tạo ra những thay đổi lớn trong quy hoạch vùng, đô thị.

Vẫn còn nhiều thách thức

Những năm qua, Hà Nội đã đưa vào khai thác một số tiện ích, như tìm kiếm điểm đỗ xe hay xác định lộ trình xe buýt… Tuy nhiên, các dự án chưa mang lại hiệu quả cao do thiếu tính kết nối dữ liệu. Việc có một Trung tâm Điều hành giao thông thông minh được xem như nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh.

Theo GS. TS Lê Hùng Lân, Trường Đại học Giao thông Vận tải, hệ thống giao thông thông minh mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như tăng cường an toàn, tiện nghi cho người tham gia giao thông, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng và giảm ô nhiễm môi trường. Hệ thống ITS sử dụng các công nghệ tiên tiến, chủ yếu là thông tin, truyền thông tăng cường mối quan hệ giữa các thành phần của hệ thống giao thông như người, xe và đường. Trong đó, AI là công cụ không thể thiếu để khai thác dữ liệu, tối ưu hiệu quả hệ thống.

Tuy nhiên, quá trình ứng dụng AI có thể chậm do cơ sở dữ liệu chưa đủ đồng bộ, chưa đủ quy mô. Chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp AI vào hệ thống thông tin, thiếu hụt nguồn nhân lực, chi phí vận hành cao.

Như khẳng định của Viện trưởng Trí tuệ nhân tạo (AI Academy Vietnam) PGS. TS. Nguyễn Xuân Hoài, để công nghệ AI có thể tích hợp vào các “tầng” của đô thị thông minh, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, yếu tố tiên quyết là cần thống nhất mô hình thông tin đô thị và kế thừa hạ tầng dữ liệu hiện có.

Bên cạnh những thách thức về việc xây dựng quy chuẩn kĩ thuật công tác ứng dụng AI nói riêng và các công nghệ nói chung vào xây dựng đô thị thông minh, chúng ta vẫn cần thúc đẩy công tác truyền thông đủ mạnh để người dân tham gia, xây dựng thêm khung pháp lý và phương án quy hoạch đô thị phù hợp cho giao thông thông minh.

Minh Phú

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-dung-ai-trong-quan-ly-giao-thong-do-thi-ha-noi-post868561.html