Ứng phó biến đổi khí hậu cần đặt vào trung tâm của các quyết định phát triển

Hiện tại, chỉ tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP đã đạt vượt mức đề ra giảm từ 8-10% so với năm 2010, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đạt mục tiêu kép phát triển kinh tế đi đôi với giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một trong những điểm sáng nổi bật trong bức tranh toàn diện về nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành: Ứng phó với BĐKH ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới hướng tới thực hiện mục tiêu chung toàn cầu

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành: Ứng phó với BĐKH ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới hướng tới thực hiện mục tiêu chung toàn cầu

Ngày 11/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, cấp ủy và chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội và người dân đã tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, trụ cột về ứng phó với BĐKH đã nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách ứng phó với BĐKH, cả Trung ương và địa phương đều đã tăng cường đầu tư triển khai thực hiện các công trình, dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Việt Nam cũng đã triển khai mạnh mẽ những cam kết tại Hội nghị COP26, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định 2 lần và ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050 cùng với nhiều chiến lược, kế hoạch hành động khác. Gần đây nhất, Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

"Trước xu thế BĐKH và bối cảnh toàn cầu mới, ứng phó với BĐKH ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới hướng tới thực hiện mục tiêu chung toàn cầu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của đất nước theo hướng phát triển xanh, carbon thấp", Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai

Chia sẻ cụ thể về việc thực hiện các nhiệm vụ chủ động ứng phó với BĐKH theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, Cục trưởng Cục BĐKH Tăng Thế Cường cho biết: Nội dung giảm phát thải khí nhà kính đã được luật hóa để triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của địa phương. Các thành phố, đô thị lớn ven biển đều chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL. Bên cạnh kết quả đạt được các mục tiêu chính nêu trên, nhiều nội dung quan trọng tại Nghị quyết cũng đã được tích cực triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, như: Thí điểm trên toàn quốc nhiều mô hình sinh kế cộng đồng thích ứng với BĐKH; lồng ghép nội dung BĐKH vào hầu hết các chiến lược, quy hoạch quốc gia, ngành; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, các chương trình KH&CN cấp quốc gia đã có đóng góp lớn trong nâng cao năng lực thích ứng BĐKH, cải thiện cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, xác định cơ sở khoa học cho các hoạt động ứng phó BĐKH trên quy mô cả nước.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục BĐKH cũng chỉ ra rằng, hiện nay, hạ tầng thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai còn thiếu. Việc triển khai các quy định ứng phó với BĐKH còn chưa được triển khai mạnh mẽ ở địa phương.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính, con người, trang thiết bị cho ứng phó với BĐKH còn thiếu và yếu; ứng dụng khoa học và công nghệ chưa mạnh mẽ; chuyển đổi số của ngành mới được triển khai, kết quả đạt được chưa đáp ứng với yêu cầu.

Theo tính toán, nhu cầu tài chính để thực hiện các mục tiêu ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Ước tính Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 để ứng phó với BĐKH, trong khi vốn từ ngân sách Nhà nước để phục vụ cho công tác này dự kiến chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD.

Đưa ra giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh BĐKH đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Vì thế, ứng phó với BĐKH cần phải được đặt vào trung tâm của các quyết định phát triển.

Cục trưởng Cục BĐKH đề xuất thời gian tới cần huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế cho ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh hợp tác công - tư và huy động các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư ứng phó với BĐKH.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho rằng, so với năm 2012, thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện với Luật Khí tượng thủy văn. Hệ thống trạm quan trắc đến nay đã được củng cố, mở rộng, hiện đại hóa. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đạt tới trình độ hàng đầu Đông Nam Á, là cơ sở để Việt Nam trở thành Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm và cảnh báo lũ quét cho các nước Đông Nam Á.

Nhu cầu bức thiết nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai

Nhu cầu bức thiết nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai

Phó Tổng cực trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cũng đề xuất, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" nhằm tăng cường năng lực cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thiên tai về lũ quét, sạt lở đất, đá.

Cần xây dựng kế hoạch thích ứng BĐKH tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, địa phương

Nhận định về giảm phát thải khí nhà kính và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ mới, GS.TSKH Trần Thục nhấn mạnh, thương mại và đầu tư quốc tế đang đang định hình theo hướng gắn với các tiêu chí giảm phát thải, phát triển bền vững, lao động, môi trường… Với nền kinh tế có độ mở lớn như hiện nay, Việt Nam cần kịp thời nắm bắt và thích ứng, coi đây là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng cả ở cấp độ quốc gia và doanh nghiệp.

GS.TSKH Trần Thục kiến nghị, việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW cần đề xuất mục tiêu, quan điểm, định hướng hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, bảo đảm năng lực thích ứng với các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế; thể chế hóa Nghị quyết của Đảng thành pháp luật. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần xây dựng kế hoạch tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, địa phương thích ứng với tiêu chuẩn mới; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, theo dõi các động thái, chính sách của các nước, tổ chức về vấn đề này để thông tin kịp thời cho địa phương, doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận các ý kiến đóng góp rất giá trị, cung cấp thông tin cập nhật mới nhất. Trong bối cảnh BĐKH diễn biến nhanh hơn so với các dự báo, kịch bản, tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến mới, Thứ trưởng đề nghị các các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương tiếp tục góp ý về nội dung chủ động ứng phó BĐKH. Bộ TN&MT sẽ tổng hợp và tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, đề ra những quan điểm mới cùng những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về ứng phó với BĐKH trong thời kỳ mới.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ung-pho-bien-doi-khi-hau-can-dat-vao-trung-tam-cua-cac-quyet-dinh-phat-trien-102230811161807598.htm