Ứng xử thế nào với sữa giả, thực phẩm chức năng giả?

Chuyên gia đề xuất giải pháp sử dụng blockchain để xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì chống làm giả... để giúp doanh nghiệp ứng phó với vấn nạn hàng giả.

 Nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm và thực phẩm chức năng bị phát hiện là giả trong thời gian gần đây. Ảnh: T.L.

Nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm và thực phẩm chức năng bị phát hiện là giả trong thời gian gần đây. Ảnh: T.L.

Thời gian gần đây, nhiều vụ hàng giả lớn bị phanh phui liên quan tới các mặt hàng thiết yếu như sữa, dầu ăn, thuốc và thực phẩm chức năng, đã đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và gây thiệt hại kinh tế.

Hàng giả cũng xuất hiện tràn lan làm giảm doanh thu từ sản phẩm chính hãng và tổn hại uy tín thương hiệu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Cạnh tranh không công bằng

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam, doanh nghiệp đang phải trả phí để được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mất phí khởi kiện nếu bị đạo nhái. Trong khi đó, hàng giả lại thỏa sức tung hoành tạo ra cạnh tranh không công bằng.

“Sản phẩm giả kém chất lượng còn đem đến rủi ro cho người tiêu dùng, làm giảm niềm tin vào toàn ngành. Các tác động này đặc biệt nghiêm trọng đối với những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, dược mỹ phẩm hay hàng tiêu dùng hàng ngày”, ông nói.

Trong khi đó, chống hàng giả trong quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu đang gặp khó khăn do chi phí cao và hàng giả ngày càng tinh vi, khiến việc xác minh nguồn gốc khá phức tạp. Hơn nữa, hàng giả thường xuất hiện ở các kênh phân phối phi chính thức mà khung pháp lý chưa đủ mạnh để xử lý vi phạm.

 Sản phẩm keo rau củ Kera do công ty của Quang Linh Vlogs và Hoa hậu Thùy Tiên sản xuất, phân phối được xác định là hàng giả. Ảnh: FB Hằng Du Mục.

Sản phẩm keo rau củ Kera do công ty của Quang Linh Vlogs và Hoa hậu Thùy Tiên sản xuất, phân phối được xác định là hàng giả. Ảnh: FB Hằng Du Mục.

“Điều này khiến việc nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng nhằm chống lại hàng giả trở thành yêu cầu sống còn đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thiết yếu. Chưa kể đây cũng có thể là con đường giúp họ đạt được lợi thế cạnh tranh đáng kể trong bối cảnh hiện tại”, TS Hùng nói.

Giải pháp đối phó hàng giả

Theo TS Nguyễn Cảnh Lam, Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm vào chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu với doanh nghiệp.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng xây dựng các ứng dụng chia sẻ thông tin chuỗi cung ứng dựa trên công nghệ blockchain có thể giúp doanh nghiệp chống lại hàng giả.

 TS Nguyễn Mạnh Hùng (trái) và TS Nguyễn Cảnh Lam (phải). Ảnh: RMIT Việt Nam.

TS Nguyễn Mạnh Hùng (trái) và TS Nguyễn Cảnh Lam (phải). Ảnh: RMIT Việt Nam.

TS Nguyễn Cảnh Lam lấy ví dụ trên bao gạo, người mua có thể dùng điện thoại để quét mã QR và tự kiểm tra thông tin nguồn gốc xuất xứ, thông tin kho vận được lưu trên ứng dụng của nhà sản xuất sử dụng công nghệ blockchain.

Blockchain có ưu điểm rõ rệt so với công nghệ lưu trữ tập trung truyền thống, nơi thông tin có thể bị doanh nghiệp thao túng hay chỉnh sửa, khiến người dùng mất đi sự tin tưởng với những thông tin đọc được.

“Công nghệ blockchain cung cấp phương pháp bảo mật để theo dõi và xác minh tính xác thực của sản phẩm, đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu và khả năng truy xuất nguồn gốc, khiến hàng giả khó xâm nhập vào chuỗi cung ứng”, TS Lam nói.

Ông cho biết công nghệ này nếu được áp dụng sẽ giúp doanh nghiệp thuyết phục người tiêu dùng về tính minh bạch của thông tin trên từng chặng trong chuỗi cung ứng sản phẩm.

“Sử dụng blockchain để xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với thông tin mà mình đưa lên và giúp cơ quan quản lý có thể theo dõi và điều tra khi phát hiện hàng giả”, ông nói.

Tiến sĩ Lam cũng cho rằng việc sử dụng bao bì chống làm giả vẫn là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ sản phẩm thiết yếu khỏi hàng giả. Loại bao bì này được thiết kế để ngăn chặn việc mở hoặc can thiệp vào sản phẩm mà không để lại dấu hiệu rõ ràng.

Các loại bao bì chống làm giả phổ biến hiện nay bao gồm băng keo niêm phong, vòng co, niêm phong cảm ứng, bao bì bọt hoặc vỉ, và nhãn an ninh với keo hoặc thiết kế đặc biệt. Các loại bao bì này không thể tái sử dụng để ngăn chặn ý đồ sản xuất hàng giả. Trên bao bì phải có đặc điểm nhận dạng như hoa văn, tên, nhãn hiệu đã đăng ký, logo, hoặc hình ảnh mà không thể dễ dàng sao chép.

Công nghệ blockchain cung cấp một phương pháp bảo mật để theo dõi và xác minh tính xác thực của sản phẩm, đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu và khả năng truy xuất nguồn gốc, khiến hàng giả khó xâm nhập vào chuỗi cung ứng

TS Nguyễn Cảnh Lam, Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam

Nhà sản xuất cũng có thể in mã QR hoặc mã vạch lên bao bì để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của từng lô sản phẩm trên trang web chính thức bằng cách quét mã trên điện thoại thông minh. Đối với các mặt hàng giá trị cao, sử dụng các chip công nghệ như RFID hay NFC gắn vào từng sản phẩm cũng là phương án chống hàng giả hữu hiệu.

In ấn thủy vân số trực tiếp vào sản phẩm là một công nghệ quan trọng và tiết kiệm chi phí để chống hàng giả, đặc biệt trong ngành thực phẩm và dược phẩm. Thủy vân số, vốn đã khá quen thuộc với các sản phẩm kỹ thuật số, là hình mờ được chèn trên các video hay hình ảnh để đánh dấu bản quyền. Kỹ thuật này có thể được kết hợp với công nghệ in ấn vật lý để đánh dấu xác thực lên các sản phẩm thiết yếu.

Ngoài ứng dụng phương pháp kể trên, doanh nghiệp cần tăng cường truyền thông tới người mua, giúp họ cảnh giác hơn, giảm thiểu sự phổ biến của sản phẩm giả.

Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng việc tự nâng cao nhận thức là điều cần thiết. Ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về hàng giả trên thị trường và ưu tiên mua hàng từ các nguồn uy tín, TS Hùng cho rằng người mua cần tăng cường hiểu biết về các phương pháp chống hàng giả mà các doanh nghiệp đang ứng dụng.

“Người mua cần tạo thói quen dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ mã QR, chip gắn liền hoặc thủy vân số in trên sản phẩm. Nên sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm minh bạch, có kiểm chứng”, ông khuyến nghị đồng thời cho rằng việc xây dựng văn hóa tiêu dùng bài trừ hàng giả cũng là một yếu tố quan trọng.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/ung-xu-the-nao-voi-sua-gia-thuc-pham-chuc-nang-gia-post1567326.html