Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Số hóa quản lý tàu cá, minh bạch nguồn gốc thủy sản

Hiện nay ngư dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ứng dụng các phần mềm chuyên sâu như nhật ký hành trình điện tử, khai báo thông tin vi phạm...

Nhân viên Văn phòng kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cát Lở, phường Phước Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn chủ tàu cá làm thủ tục xuất bến điện tử 2. (Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN)

Nhân viên Văn phòng kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cát Lở, phường Phước Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn chủ tàu cá làm thủ tục xuất bến điện tử 2. (Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN)

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), việc ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số đang được xem là một trong những giải pháp trọng tâm, hiệu quả và bền vững.

Hiện, các địa phương và đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai.

Ứng dụng các phần mềm chuyên sâu

Theo ghi nhận của phóng viên tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ nay là xã Long Hải, Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua việc áp dụng công nghệ vào quản lý tàu cá đã mang lại những thay đổi tích cực.

Chủ tàu Nguyễn Văn Quang cho biết: "Sau một lần tàu sự cố tàu đang ra khơi đánh bắt hải sản trên biển mà bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình do thời tiết, tôi đã chủ động lên Ủy ban Nhân dân xã trình báo sự việc. Tại đây, tôi đã được cán bộ xã “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn từng bước làm quen với việc cài ứng dụng (app) giám sát tàu cá trên điện thoại cá nhân để lấy tọa độ tàu, sau đó vào phần mềm xử lý vi phạm tàu cá để khai báo tàu đã kết nối lại."

“Ban đầu tôi còn bỡ ngỡ, nhưng sau khi làm quen thì thấy rất thuận tiện. Dù ở đâu tôi cũng có thể kiểm soát và khai báo hoạt động tàu cá của mình mà không phải lên tận Ủy ban Nhân dân xã trình báo như trước đây,” ông Quang chia sẻ.

Không chỉ vậy, mô hình nhóm Zalo dành cho các chủ tàu và thuyền trưởng cũng phát huy hiệu quả cao. Đây là kênh thông tin nhanh chóng để chia sẻ tình trạng hoạt động của tàu, các quy định mới và cả những vi phạm IUU cần cảnh báo.

Nhóm sẽ thông báo nhanh tình trạng hoạt động của tàu cá, các chỉ thị, quy định, thông tin mới của ngành thủy sản, cũng như những tàu cá vi phạm IUU. Tàu cá nào vượt ranh giới đánh bắt qua vùng biển nước ngoài hay mất kết nối hành trình, gặp khó khăn, sự cố khi đi biển, trong nhóm sẽ thông báo ngay cho nhau để kịp thời khắc phục và giúp đỡ.

Nhóm Zalo này hiện đã mở rộng kết nối đến nhiều địa phương khác và bao gồm cả sự tham gia của cơ quan chức năng như: Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư thành phố, các đồn biên phòng, công an địa phương... Từ đó, nhóm Zalo kết nối này đã góp phần minh bạch hóa công tác quản lý và tăng cường hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên biển.

Không những vậy, hiện nay ngư dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các địa bàn ven biển ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ), còn được ứng dụng các phần mềm chuyên sâu như nhật ký hành trình điện tử, khai báo thông tin vi phạm...

Chuyển đổi số toàn ngành

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện các phần mềm quản lý tàu cá, giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản và xử lý vi phạm IUU đang được đồng bộ triển khai trên toàn địa bàn.

Dữ liệu từ các địa phương được cập nhật hàng ngày lên hệ thống dữ liệu nghề cá quốc gia theo đúng khuyến nghị của EC, góp phần quan trọng trong việc minh bạch hóa hoạt động khai thác thủy sản.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Côn Đảo kiểm tra giấy tờ và tình trạng hoạt động tàu cá, có vi phạm IUU trên hệ thống phần mềm quốc gia ở cảng Bến Đầm, đặc khu Côn Đảo. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Cán bộ Đồn Biên phòng Côn Đảo kiểm tra giấy tờ và tình trạng hoạt động tàu cá, có vi phạm IUU trên hệ thống phần mềm quốc gia ở cảng Bến Đầm, đặc khu Côn Đảo. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Tính đến nay, 100% cảng cá trên địa bàn thành phố đã áp dụng phần mềm eCDT để kiểm soát tàu cá ra vào cảng. Ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu quen dần với việc khai báo qua ứng dụng này để minh bạch truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt nhằm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).

Tại cảng Cát Lở ở phường Phước Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 3/2024 việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia eCDT đã triển khai.

Đến nay, 100% chủ tàu cá, thuyền trưởng đã thực hiện cài app, xác nhận sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu mà doanh nghiệp thu mua thông qua cảng.

Hệ thống này không chỉ phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát tại cảng mà còn là căn cứ cấp giấy chứng nhận cần thiết để doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ông Trần Văn An, một chủ tàu đánh bắt xa bờ của phường Phước Thắng, cho biết thông qua cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc hải sản thì tất cả thông tin về quá trình khai thác thể hiện rất minh bạch.

Ông An nhận thấy cập nhật phần mềm này rất thuận lợi cho ngư dân, khi ra biển đánh bắt khai báo trên biển rất dễ. Khi đánh được số lượng 50-70kg hay 1 tạ, thuyền trưởng hoặc chủ tàu cá cũng nhập vào dữ liệu, khi vào đến bờ không cần khai báo như trước, rất thuận tiện.

Tương tự, ông Huỳnh Văn Minh, ngư dân xã Phước Hải, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tôi gắn bó với nghề đánh bắt cá đổng từ gần 10 năm nay. Trước đây, thủ tục mỗi lần xuất cảng và đánh bắt trở về rất phức tạp, vì phải khai báo trên nhiều loại giấy tờ. Khi nhà nước triển khai phần mềm eCDT, thay thế cho việc ghi chép nhật ký khai thác thủ công rất thuận tiện cho ngư dân.

“Từ khi thực hiện khai báo trên phần mềm eCDT thì tất cả các thông tin như: Sản lượng, loại hải sản, vùng biển đánh bắt, người thu mua… của ngư dân chúng tôi đều thể hiện hết trong app này. Phần mềm này đăng nhập, khai báo rất là thuận lợi, cài đặt rất dễ chứ không có khăn gì. Làm nghề đánh bắt xa bờ như chúng tôi thì phải khai báo rõ ràng, mình vi phạm sẽ bị phạt, làm sao đừng vi phạm ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng EC của Việt Nam," ông Minh chia sẻ.

Hiện, Cục Thủy sản và Kiểm ngư cơ sở 2 Thành phố Hồ Chí Minh đóng tại khu vực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) đang triển khai 3 phần mềm độc lập để quản lý nghề cá gồm: Quản lý cảng cá, quản lý tàu cá (qua hệ thống VMS) và phần mềm xử lý vi phạm IUU. Để tối ưu hóa hiệu quả quản lý, các cơ quan quản lý đang triển khai xây dựng một hệ thống tích hợp tổng thể.

Theo đó, phần mềm mới này được vận hành thử tại địa chỉ https://gstcvtu.vtctelecom.com.vn và bước đầu đã tích hợp nhiều tính năng hiện đại như: Giám sát và tra cứu thông tin tàu cá, cảnh báo vi phạm, thống kê dữ liệu, theo dõi hoạt động khai thác cũng như tình trạng các tàu “3 không” hoặc không đủ điều kiện ra khơi.

Ngoài ra, hệ thống còn bổ sung các tính năng riêng biệt phục vụ đặc thù quản lý địa phương, giúp đơn giản hóa thao tác, giảm thiểu thủ tục giấy tờ và tăng độ chính xác trong xử lý vi phạm.

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong cuộc chiến chống khai thác IUU.

Với sự quyết tâm từ chính quyền, sự đồng hành của ngư dân và sự hỗ trợ của công nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang có những bước đi mạnh mẽ, bài bản và đầy triển vọng để tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” từ EC, khôi phục niềm tin và nâng cao giá trị thương hiệu thủy sản Việt trên trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khac-phuc-the-vang-iuu-so-hoa-quan-ly-tau-ca-minh-bach-nguon-goc-thuy-san-post1048935.vnp