'Ứng xử' với dạy thêm, học thêm thế nào?
Ngày 6/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Dạy thêm, học thêm tiếp tục được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa khi tổ chức xin ý kiến tại các địa phương đã được nhiều ý kiến quan tâm. Nếu quy định nội dung này sẽ giúp phân biệt được dạy chính khóa và dạy thêm, tăng tính minh bạch, quản lý chặt chẽ, gắn với trách nhiệm khi dạy thêm.
Theo bà Ngọc, tại Thông tư 29, nội dung này đã được điều chỉnh quy định về dạy thêm và học thêm. Nếu quy định điều này sẽ mâu thuẫn và chồng chéo với văn bản hiện hành. Dạy thêm không phải là hoạt động bắt buộc mang tính phổ quát. Do đó, nếu quy định vào luật sẽ làm lệch định hướng phát triển nghề nghiệp giáo viên theo chuẩn mực sư phạm. Quan điểm của ngành giáo dục hiện nay là hạn chế dạy thêm, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông và học tập tích cực.
Để không “hợp thức hóa dạy thêm” tràn lan, bà Ngọc đề nghị cần bổ sung các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa bao gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ đúng quy định của pháp luật được coi là một phần của hoạt động nghề nghiệp, khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục, không vụ lợi và tuân thủ các quy định quản lý về dạy thêm, học thêm hiện hành.
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nêu rằng, cấm nhà giáo “ép buộc” người học tham gia học thêm được hiểu gián tiếp là “thừa nhận việc dạy thêm, học thêm”. Ông Tám nhìn nhận, đây là vấn đề xã hội rất quan tâm. Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư quy định về vấn đề này nhưng có nhiều dư luận còn băn khoăn. Nếu như chúng ta thấy chương trình và lượng kiến thức trong chương trình mà học viên nắm được ngay trên lớp hoặc về nhà học thêm một chút nữa có thể hiểu được bài thì không có chuyện học thêm, nhưng vì chưa nắm được nên phải học thêm.
“Liệu có phải chương trình và lượng kiến thức trong chương trình của ta hiện nay nặng quá không? Vì không hiểu được nên mới phải học thêm, do đó đề nghị nên rà soát chương trình và lượng kiến thức trong chương trình đã hợp lý chưa?” – ông Tám băn khoăn.
ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đánh giá, dự thảo Luật chưa có điều khoản cụ thể, rõ ràng. Cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, học sinh, phụ huynh chứ không phải quy cho việc giáo viên ép học thêm.
Dẫn chứng nhiều con em chúng ta vẫn ra các trung tâm học tiếng Anh, văn hóa, học nhạc, các môn mỹ thuật và đây là nguyện vọng chính đáng, bà Thu cho rằng, như vậy khi có nhu cầu của học sinh và gia đình thì giáo viên có nhu cầu dạy thêm để có thêm thu nhập, chọn cách dạy thêm để làm thêm. Đây hoàn toàn là chính đáng và phù hợp sau các tiết dạy trên nhà trường thì giáo viên có thể bỏ công sức để dạy thêm, việc giáo viên bỏ thời gian chăm lo gia đình để dạy thêm chuyên môn mang lại lợi ích tăng thêm thu nhập thì không có gì là sai. Điều quan trọng theo bà Thu là chống lại khía cạnh tiêu cực. Đó là lợi dụng chuyện này để ép buộc học sinh đi học, khi đó sẽ gây ra tác dụng tiêu cực khác và bản thân tôi không chấp nhận việc giáo viên ép buộc, trục lợi từ dạy thêm. “Do đó việc luật hóa cấm học thêm, dạy thêm tự phát là cần thiết. Bên cạnh đó có thể quy định để giao Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm theo hướng công khai, và xây dựng các quy chế đặc thù để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tự phát, tràn lan, tránh lãng phí và không cần thiết” – bà Thu nói.
Cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN,ĐMST). Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, dự thảo Luật KH,CN, ĐMST gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-xu-voi-day-them-hoc-them-the-nao-10305237.html