Ứng xử với thuế quan
Các mức thuế đối ứng dành cho đối tác của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dần lộ diện trước thời hạn cuối cùng của quyết định tạm hoãn áp dụng đưa ra vào hồi tháng 4/2025. Tuy thông tin mới nhất cho thấy, khoảng thời gian chờ sẽ kéo dài đến đầu tháng 8 tới, song điểm tích cực là yếu tố bất định đã giảm đi rất nhiều.
Đây là điều mà các doanh nghiệp đang cần để hoàn tất kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong 2 quý cuối năm. Thậm chí, một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cho biết đã nhận được thư thúc giục của đối tác về việc hoàn tất nhanh các thủ tục để sớm triển khai dự án. Đây cũng là những dự án đã được đàm phán trước đó, nhưng phải tạm chậm lại để đợi thêm thông tin chi tiết về chính sách thuế đối ứng của chính quyền Mỹ.
Mặc dù vẫn phải tiếp tục chờ bức tranh tổng thể để hiểu rõ hơn các mức thuế cụ thể, cách tính toán nhằm lượng hóa dòng chảy thương mại toàn cầu tới đây, song giới chuyên gia kinh tế nhận định, tận dụng lợi thế hay giảm thiểu tác động bất lợi trong bối cảnh thị trường bất định sẽ là bài toán hàng ngày, chứ không chỉ có trong chiến lược dài hạn của doanh nghiệp.
Hơn thế, những chuyển biến tích cực của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhất là hàng loạt chính sách đột phá thúc đẩy tăng trưởng, giảm thuế, phí, cắt giảm thủ tục hành chính hỗ trợ người kinh doanh… khiến nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài không muốn chậm trễ hơn. Bởi vậy, ứng xử linh hoạt, tìm kiếm “cơ” trong “nguy”, thay vì chờ đợi, có lẽ đang là cách lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất - kinh doanh quý II, dự báo quý III/2025 với 6.300 doanh nghiệp ngành chế biến - chế tạo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy rõ cách ứng xử này. Trong quý II/2025, khoảng 77,8% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên so với quý trước đó. Tình hình tích cực hơn khi 81,8% doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu mới sẽ tăng và giữ nguyên trong quý III này.
Cũng trong thời điểm hiện tại, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 74,2%. Trong đó, có 43,5% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90%; 30% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng đạt 90 -100%...
Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng không quá lạc quan trước hàng loạt biến số khó lường ở phía trước, song có sự phân hóa rất lớn giữa doanh nghiệp của các ngành. Theo đó, nhóm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tín hiệu tích cực hơn cả khi nhìn nhận cơ hội quý III/2025. Tiếp sau là doanh nghiệp ngành sản xuất xe có động cơ.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sản xuất giường, tủ, bàn, ghế cùng doanh nghiệp ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic đang khá thận trọng khi thấy nhiều khó khăn trước mắt.
Thêm một lần nữa, áp lực tái cơ cấu doanh nghiệp tiếp tục được đặt ra một cách rõ nét, nhưng ở thế sống còn. Lời giải sẽ không chỉ là cắt giảm chi phí, đầu tư công nghệ, gia tăng năng lực đáp ứng các yêu cầu phi thuế quan ngày càng khắt khe của thị trường… Giới chuyên gia kinh tế đang nhắc tới yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng phát triển dài hạn, kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, dựa trên luật lệ và đặc biệt là tuân thủ các nguyên tắc minh bạch, công khai, nghiêm túc trong kinh doanh. Đặc biệt, mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI tiếp tục được đặt ra.
Với những tác động của chính sách thuế đối ứng, nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp trong nước của các doanh nghiệp FDI được nhìn nhận sẽ mở ra cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp nội địa, ở cả góc độ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận vốn và cơ hội thị trường. Tất nhiên, đây là cuộc chơi có đi có lại và chỉ dành cho những doanh nghiệp thực sự muốn thay đổi. Hơn thế, bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu đầy trắc trở, làm khó nhiều doanh nghiệp cũng có thể là không gian cho những doanh nghiệp đi sau gia tăng thứ hạng, thậm chí có thể tính tới bài toán chiếm lĩnh thị trường.
Khảo sát của Cục Thống kê còn cho thấy, 38,7% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay; 31,8% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng; 25,4% doanh nghiệp mong có nguồn cung nguyên vật liệu ổn định. Đặc biệt, 25,9% doanh nghiệp kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính đồng bộ hơn nữa… Điều đó hàm ý, trong lúc này, môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh hậu thuẫn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có ý nghĩa rất lớn đối với nỗ lực thay đổi của chính doanh nghiệp.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ung-xu-voi-thue-quan-d326171.html