UOB khuyến nghị giải pháp bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Năm 2025 có một số lĩnh vực AI, dữ liệu, năng lượng, nguồn nước… Chính phủ có thể tập trung đầu tư để tăng cơ hội đạt mức tăng trưởng GDP ở mức cao 8%, thậm chí hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Ông Suan Teck Kin – Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định, Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 7% vào năm 2024 và tiến tới 8% hoặc cao hơn vào năm 2025 sẽ là một thách thức trong thương mại quốc tế.
Chuyên gia của ngân hàng Singapore cho rằng, Việt Nam có thể ảnh hưởng gián tiếp từ các chính sách thuế quan của ông Trump, nếu nhập khẩu của Mỹ giảm do hoạt động kinh tế chậm lại, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam. Trường hợp chính quyền mới của Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam do thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam sẽ tác động trực tiếp lan ra cả ngành sản xuất và dịch vụ, làm giảm chi tiêu trong nước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam có thể ảnh hưởng từ chu kỳ bán dẫn suy giảm do sản phẩm này chủ yếu được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất khẩu từ Việt Nam ra thế giới.
Trong khi chỉ số quản trị nhà mua hàng ngành sản xuất (PMI) trong hai tháng gần đây giảm liên tục lần lượt 48,9 điểm (tháng 1/2025), 49,8 điểm (tháng 12/2024), cho thấy đơn hàng có thể đang chậm lại và các nhà sản xuất đang thu hẹp hoạt động.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI có thể chịu tác động từ chính sách thuế quan, khi các doanh nghiệp cân nhắc chuyển hướng đầu tư sang các địa điểm ít có khả năng bị áp thuế từ Mỹ.
Môi trường còn nhiều bất định, chuyên gia của ngân hàng UOB khuyến nghị cần thận trọng với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 7% cho năm 2025.

Các chuyên gia cho rằng, hạ tầng thiếu hụt nên tăng đầu tư công là một giải pháp tạo hiệu ứng lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh: Đình Hải
Ông Suan Teck Kin cho rằng, tăng mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ tăng trưởng GDP để giảm tác động từ xuất khẩu và sản xuất có thể suy giảm do hạ tầng Việt Nam vẫn còn thiếu hụt đáng kể.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, tỷ lệ chi tiêu cho hình thành vốn (capital formation expenditure) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 41% của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa thận trọng ở giai đoạn phát triển hiện nay, khi Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công/GDP từ 35% hiện tại xuống 31% vào năm 2029. Trong khi, để tăng đầu tư công, có thể cần phải chấp nhận tăng vay nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn.
Một vấn đề quan trọng khác là tốc độ giải ngân và thực hiện đầu tư công. Ngay cả khi ngân sách đã được phân bổ cho các dự án hạ tầng, quá trình triển khai cần được đẩy nhanh để vừa tạo động lực tăng trưởng ngắn hạn trong khi đầu tư được thực hiện, vừa nâng cao năng suất dài hạn sau khi dự án hoàn thành.
Một tín hiệu tích cực từ đầu tư công, Quốc hội đã thông qua dự án đường sắt nối Trung Quốc – Việt Nam, đường cao tốc Bắc – Nam và các địa phương giải quyết những tồn đọng trong đầu tư nhiều năm qua.
Ngoài ra, các chuyên gia UOB cho rằng có một số lĩnh vực Chính phủ có thể tập trung để tăng cơ hội đạt mức tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí hai con số trong giai đoạn 2026-2030 để giữ tốc độ tăng trưởng ổn định tránh tình trạng quá nóng và lãng phí nguồn lực. Chẳng hạn, Việt Nam còn dư địa rất lớn cho đầu tư vào các lĩnh vực AI, dữ liệu, năng lượng, nguồn nước… để hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong tương lai.