Ước mong cây cầu vượt sông Mã
Để đến một số bản của xã Trung Lý (Mường Lát), như: Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Giáng, Lìn, Pa Búa... người dân thường sang sông bằng những con đò thiếu an toàn, không phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nỗi lo từ những chuyến đò ngang
Dọc tuyến sông Mã, đoạn qua xã Mường Lý đang tồn tại nhiều bến đò không phép. Cũng vì không phép, những bến đò này gần như không được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, biển chỉ dẫn, cảnh báo. Bên cạnh đó, phương tiện chở khách thiếu trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm... đang để lại những nỗi lo, nhất là vào mùa mưa bão.
Có mặt tại bến đò bản Xa Lung, cô giáo L.A.G., giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 2, cho biết: "Ngày nào tôi cũng phải đi đò để sang bên kia sông dạy học cho học sinh bản Pa Búa. Việc phải “lụy đò” là rất bất cập, thậm chí vào những ngày mưa bão, đò không hoạt động, tôi phải cuốc bộ trên một cung đường khác đến lớp".
Tương tự, tại bến đò trên địa phận bản Tài Chánh, thời điểm khoảng 8 giờ sáng chúng tôi có mặt, số người chờ đò ở đây lên tới cả chục người. Anh Sùng Seo Sểnh, một khách chờ đò cho biết: "Từ trung tâm xã Trung Lý đến bản Cò Cài, nếu đi đò vượt sông Mã thì chỉ mất khoảng 20km. Ngược lại, nếu đi đường vòng, tức di chuyển từ trung tâm xã Trung Lý đi bản Pá Quăn rồi vào bản Cò Cài, cung đường lên tới hơn 50km, đường rất khó đi.
Trưởng bản Tài Chánh, xã Mường Lý Ngân Văn Vĩnh, cho biết: "Bản Tài Chánh có 72 hộ với 280 nhân khẩu. Việc di chuyển của bà con trong bản nói riêng, các bản người Mông nói chung dọc hai bờ sông thường xuyên qua lại. Từ các nhu cầu sinh hoạt thường ngày, giao thương, buôn bán cho đến các ngày lễ hội,... việc đi đò là rất bất cập, đặc biệt là khó khăn cho các hộ dân phía bên kia sông, muốn vận chuyển nông sản sang bên trung tâm để bán, thường chi phí vận tải qua sông là rất lớn".
Qua rà soát của UBND xã Mường Lý cho thấy, trên địa bàn xã đang tồn tại nhiều bến đò trái phép, chưa được đầu tư, như: bến đò bản Xa Lung, bản Tài Chánh, bản Kít, bản Mau. Mặc dù là các bến đò không phép nhưng lại đang là phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại chính cho bà con các xã Trung Lý, Mường Lý.
Để đảm bảo an toàn trong các hoạt động giao thông, giao thương đường thủy, chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện tuân thủ quy định về hoạt động vận chuyển khách ngang sông. Phải trang bị áo phao, dụng cụ nổi cho người đi đò, không chở quá số người quy định... Song, để đáp ứng nhu cầu về giao thông, giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế các bản, xã dọc hai bờ sông Mã, bức thiết cần có sự đầu tư một cây cầu kiên cố.
Ước mong một cây cầu
Ước mong về một cây cầu nối đôi bờ sông Mã đã nhiều lần được Nhân dân huyện Mường Lát kiến nghị qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Nội dung trên cũng đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa gửi đến Bộ Giao thông - Vận tải và nhận được phản hồi. Cụ thể, theo Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, cầu cứng qua sông Mã từ bản Co Cài (xã Trung Lý) sang bản Tài Chánh (xã Mường Lý) là công trình giao thông thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương. Bộ Giao thông - Vận tải nhận thấy, việc đầu tư công trình theo kiến nghị của cử tri Thanh Hóa là cần thiết, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngày 14/4/2023, UBND huyện Mường Lát đã có Tờ trình số 30/TTR-UBND đề nghị hỗ trợ đầu tư công trình: Cầu từ bản Cò Cài - bản Tài Chánh, huyện Mường Lát. Nội dung tờ trình nêu rõ: Tuyến đường từ bản Pá Quăn - Cò Cài - Tài Chánh - Tân Xuân có tổng chiều dài khoảng 22km. Đây là tuyến đường kết nối Quốc lộ 15C (tại Km49+120P) với Quốc lộ 16 (tại Km21+110P) và xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường đang bị chia cắt đoạn từ bản Cò Cài (xã Trung Lý) sang bản Tài Chánh (xã Mường Lý) bởi sông Mã với chiều rộng khoảng 430m.
Bà con Nhân dân đang phải đi lại, giao thương hàng hóa bằng thuyền không đảm bảo an toàn giao thông. Cử tri huyện Mường Lát đã kiến nghị nhiều lần về việc đầu tư xây dựng cầu mới thay thế các bến đò hiện tại. Mặt khác, đây là tuyến đường huyết mạch kết nối giao thương giữa huyện Mường Lát và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn, chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong và ngoài huyện. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì việc đầu tư xây dựng mới cầu Cò Cài - Tài Chánh, huyện Mường Lát là hết sức cần thiết. Dự kiến tổng mức đầu tư công trình là 150,163tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/uoc-mong-cay-cau-nbsp-vuot-song-ma-31595.htm