Uống dầu cá Omega-3 có tác dụng gì? Những ai không nên uống?

Dầu cá Omega-3 vai trò quan trọng với sức khỏe, nhưng không phải ai cũng có thể bổ sung dầu cá.

Dầu cá Omega-3 có tác dụng gì?

Dựa vào nghiên cứu Anh quốc trên hơn 425.000 người, thấy rằng người thường xuyên uống dầu cá có thể làm giảm nguy cơ tử vong sớm và nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch lần lượt là 13% và 16%. Bên cạnh đó, hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng khuyên người đang mắc bệnh tim nên bổ sung 1 gram DHA và EPA hàng ngày hoặc ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần, đặc biệt là cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá cơm biển,… vì chúng chứa nhiều Omega-3.

DHA (axit béo omega-3) có trong dầu cá chính là thành phần quan trọng giúp bảo vệ mắt. Trong nhiều nghiên cứu, DHA tồn tại một lượng lớn trong võng mạc, giúp duy trì chức năng của mắt. Đặc biệt, chất này vô cùng cần thiết cho sự phát triển của mắt và não ở trẻ sơ sinh.

Uống dầu cá giúp bảo vệ tim mạch

Uống dầu cá giúp bảo vệ tim mạch

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc Bệnh viện Đa khoa Medlatec, dầu cá chỉ chung cho các loại dầu trong cá hoặc thực phẩm chức năng, chứa nhiều acid béo Omega-3 và có thể kết hợp với vitamin, khoáng chất khác.

Các loại dầu cá giàu acid béo được ưa chuộng gồm cá thu, cá hồi, cá tầm, cá ngừ, cá cơm, cá trích, cá mòi… Vì thế các thực phẩm chức năng bổ sung dầu cá cũng làm từ các loại cá này.

Cơ thể không tự sản xuất được Omega-3 nên cần bổ sung từ nguồn thực phẩm, trong đó có dầu cá. Trong dầu cá chứa 2 loại Omega-3 là DHA và EPA. Các chất bổ sung dầu cá còn được kết hợp với sắt, Canxi, Vitamin A, B, C hoặc D. Vitamin E thường chứa hàm lượng rất ít trong dầu cá vì dễ khiến thuốc nhanh hỏng.

Omega-3 và dầu cá nói chung được sử dụng trong rất nhiều tình trạng sức khỏe, thường liên quan đến tim, hệ thống máu và sức khỏe mắt.

Những người không nên bổ sung dầu cá Omega-3

Đối với những người đang bị bệnh về đường tiêu hóa nếu sử dụng dầu cá sẽ gây nên tình trạng khó tiêu, ợ chua, đầy bụng hoặc thậm chí là những cơn đau bụng dữ dội gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Sử dụng dầu cá thường xuyên sẽ góp phần gia tăng hàm lượng glucose trong máu và làm tăng chỉ số đường huyết. Điều này đối với những người đang điều trị bệnh tiểu đường sẽ gây ra những biến chứng khá nguy hiểm đối với sức khỏe của cơ thể.

Phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là những người ở giai đoạn cuối thai kỳ được khuyến cáo tuyệt đối không nên sử dụng dầu cá vì có thể gây nên hiện tượng băng huyết trong khi sinh em bé.

Hạ huyết áp hoặc huyết áp thấp cũng có thể là tác dụng phụ của việc bổ sung Omega-3. Vì vậy, nếu bạn đã sử dụng các chất bổ sung hoặc thuốc làm giảm huyết áp thì cần thận trọng khi bổ sung Omega-3.

Bệnh máu khó đông (hay còn được gọi là bệnh Hemomilia) là một bệnh lý khá nguy hiểm đòi hỏi người bệnh phải sử dụng các loại thuốc giúp tăng cường khả năng đông máu. Đối với những người bệnh này nếu sử dụng dầu cá sẽ làm cho tình trạng máu khó đông trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

Dầu cá liều cao hơn có thể có tác động tiêu cực đến phản ứng của hệ thống miễn dịch và nó có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu hệ thống miễn dịch của bạn đã bị tổn hại do HIV/ AIDS hoặc các bệnh lý khác.

Nếu bạn bị dị ứng với hải sản, rất có thể bạn cũng bị dị ứng tương tự khi sử dụng thực phẩm bổ sung dầu cá. Do đó, cần tránh các chất bổ sung này.

Khuyến cáo khí sử dụng dầu cá omega-3

Khi dùng theo khuyến cáo, bổ sung dầu cá thường được coi là an toàn. Axit béo Omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe nên chúng ta cần cố gắng bổ sung từ chế độ ăn uống. Bổ sung dầu cá có thể hữu ích nếu bạn bị bệnh tim mạch hoặc rối loạn tự miễn dịch hoặc bạn không ăn được cá hoặc hải sản khác.

Mặc dù dầu cá có tính an toàn cao nhưng uống quá nhiều dầu cá có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch của bạn. Uống bổ sung dầu cá liều cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Nhiều người coi dầu cá là thực phẩm chức năng tốt, có thể bổ sung hàng ngày trong thời gian dài để tăng cường sức khỏe nói chung song nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn liều lượng, thời điểm dùng tốt nhất.

Bạn có thể uống dầu cá vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà bạn cảm thấy thuận tiện.

Phân chia liều lượng: Để ngăn ngừa các tác dụng phụ như trào ngược axit, bạn nên chia liều dầu cá thành hai phần, uống vào buổi sáng và buổi tối. Điều này cũng được xem là một cách sử dụng hiệu quả.

Uống dầu cá kèm bữa ăn: Dầu cá nên được uống cùng với bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn giàu chất béo tốt. Điều này giúp tối đa hóa hấp thụ của các axit béo omega-3 trong dầu cá.

*Thông tin mang tính tham khảo

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uong-dau-ca-omega-3-co-tac-dung-gi-nhung-ai-khong-nen-uong-333401.html