Ưu đãi thuế, phí vẫn là công cụ quan trọng để 'giữ chân đại bàng'

Năm 2024 sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp không còn tác dụng. Để 'giữ chân đại bàng' và thu hút thêm các tập đoàn lớn đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp, chính sách ưu đãi thuế, phí vẫn được xem là công cụ quan trọng.

Các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron.... mong muốn được tiếp tục ưu đãi tiền thuê đất, hỗ trợ trực tiếp trên chi phí cho doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, xây dựng cơ chế thông thoáng cho khu kinh tế phi thuế quan…

Mức thuế tối thiểu 15% sẽ áp dụng từ 2024

Bộ Tài chính cho biết, nhờ các chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh và các thế mạnh như tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào... Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Đáng chú ý, những năm gần đây nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng liên tục. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm nhờ các chính sách ưu đãi về thuế.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm nhờ các chính sách ưu đãi về thuế.

Trong năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vào năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tại hội thảo Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 18/10, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết chính sách thuế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế hấp dẫn, như miễn 4 năm, giảm 9 năm tiếp theo.

Dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Tài chính cho biết đến nay cả nước hiện có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%.

Tuy nhiên, từ năm 2024, nhiều nước áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu. Với xu hướng chung, những doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (doanh thu 750 triệu euro) đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không còn tác dụng.

"Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu. Theo chương trình, nội dung này sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào tuần sau. Tinh thần là chúng ta sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian sớm nhất vào đầu năm 2024", ông Minh cho hay.

Theo đó, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

Điển hình là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... Tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, đạt khoảng 131,3 tỉ USD. Với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu, những "ông lớn" FDI này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

“Khi áp thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp thêm phần chênh lệch vào ngân sách của Việt Nam. Chính sách này sẽ tác động đến định hướng đầu tư của các doanh nghiệp. Họ sẽ xem xét lại chiến lược đầu tư, không phải dựa vào ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp mà hướng vào các chính sách ưu đãi khác”, ông Minh cho hay.

Doanh nghiệp muốn được giảm chi phí trực tiếp

Các chuyên gia cho rằng ưu đãi thuế, phí vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam. Vì vậy, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ đầu tư mới nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong các chính sách “giữ chân đại bàng” và thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp, ông Minh cho hay trao đổi với nhà đầu tư, vấn đề họ quan tâm là ưu đãi về đất đai như miễn giảm tiền thuê đất, hạ tầng khu công nghiệp. Chính sách này rất quan trọng, vì giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mong muốn Nhà nước không thu thuế đầu vào, thuế gián thu trong khu kinh tế, khu chế xuất ngay trong giai đoạn đầu tư. Lý do là doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho chuỗi sản xuất toàn cầu. Họ không muốn thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế tiêu dùng của Việt Nam, vì cơ bản 90% sản phẩm là phục vụ xuất khẩu.

"Một nội dung nữa là chúng ta đang muốn xây dựng cơ chế đối với các doanh nghiệp chế xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi đã tiếp xúc với các tập đoàn Apple, Samsung..., họ đều kiến nghị Việt Nam nên xây dựng cơ chế thông thoáng cho khu kinh tế phi thuế quan", ông Minh nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn chính sách ưu đãi tới đây sẽ hỗ trợ trực tiếp trên chi phí cho doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp. Chẳng hạn, với những tập đoàn lớn đầu tư vào chất bán dẫn công nghệ cao, Nhà nước cần hỗ trợ về tài chính ngay từ đầu như mua sắm thiết bị, xây dựng nhà ở cho công nhân, hạ tầng khu công nghiệp...

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, áp dụng với những doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm, doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỉ đồng...

Theo đó, sẽ thí điểm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao... Các chính sách cần đủ hấp dẫn và tương xứng với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Các khoản hỗ trợ này sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước, như một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/uu-dai-thue-phi-van-la-cong-cu-quan-trong-de-apos-giu-chan-dai-bang-apos-1096042.html