Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Ngành Giáo dục và Đào tạo cần chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo đủ phòng học, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ theo quy định.

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tại Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo năm 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025, diễn ra chiều 14/8.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu tại hội nghị.

Để phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh trong năm học 2024 - 2025 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh, nòng cốt là ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo và của tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo; nhất là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025 và các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh về công tác giáo dục - đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước cho biết, An Giang xác định giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đông đảo nhân dân và phụ huynh, học sinh, sinh viên… Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần phải rà soát và triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra; quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 và những năm học tiếp theo.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị tốt cho kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2026-2030 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các địa phương rà soát, chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư của ngành giáo dục; trong đó tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa phục vụ nhu cầu học tập cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường chuyển đổi số, tạo sự lan tỏa và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng, động viên, khích lệ những tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; phê bình, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là gây mất đoàn kết nội bộ; xây dựng tổ chức đảng, nhà trường trong sạch, vững mạnh, thực sự là môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để giáo viên muốn được cống hiến, học sinh và sinh viên hăng say học tập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm phát biểu tại hội nghị.

Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, năm học 2023 - 2024, với sự chủ động, sáng tạo và tinh thần nỗ lực trách nhiệm cao của đội ngũ thầy giáo, cô giáo và đội ngũ cán bộ quản lý, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tiếp tục được củng cố. Toàn tỉnh có 714 trường học các cấp học và 9 cơ sở giáo dục có giảng dạy hệ Giáo dục thường xuyên (bậc Trung học phổ thông). Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi mầm non đạt 99,66%; tiểu học 100%; trung học cơ sở 97,63%; trung học phổ thông 57,83%. Tỷ lệ học sinh bỏ học đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông giảm so với cùng kỳ năm học trước...

Đặc biệt, An Giang đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức 2. Công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với chính quyền địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ngày càng chặt chẽ, tranh thủ được sự hỗ trợ tích cực, nhiệt tình của các lực lượng xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước (thứ 6 trái qua) và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm tặng bằng khen của UBND tỉnh An Giang cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước (thứ 6 trái qua) và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm tặng bằng khen của UBND tỉnh An Giang cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024.

Kết thúc năm học, chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh An Giang đạt 99,61%. Điểm trung bình các môn thi xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị, 32 tập thể và cá nhân được UBND tỉnh An Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang khen thưởng vì đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh trong năm học 2023-2024.

Bài, ảnh: Công Mạo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/uu-tien-cac-nguon-luc-dau-tu-cho-giao-duc-va-dao-tao-20240814194634172.htm