Ưu tiên tối đa nguyện vọng của học sinh khi đăng ký nhóm môn lựa chọn
Trong quá trình tư vấn HS vừa trúng tuyển lớp 10 đăng ký nhóm môn lựa chọn, các trường THPT đều có những lưu ý.
Cụ thể là đăng ký nhóm môn lựa chọn cần phù hợp với năng lực, sở trường và dự định nghề nghiệp trong tương lai.
Cân não lựa chọn từ “combo” có sẵn
Trúng tuyển vào lớp 10, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), lúc đầu, em Trầm Nam Tùng lựa chọn nguyện vọng 1 với nhóm môn Vật lý - Hóa học - Sinh học - Địa lý; nguyện vọng 2 là nhóm môn Vật lý - Hóa học - Địa lý - Công nghệ.
Tuy nhiên, sau khi được thầy cô tư vấn nguyện vọng 1 tập trung nhiều môn khối tự nhiên, lượng kiến thức sẽ nặng nên chị Nguyễn Thanh Thủy, phụ huynh của em Tùng có sự cân nhắc. “Cháu dự định sẽ theo học ngành tự động hóa và cơ khí, năng lực học tập nghiêng về các môn tự nhiên nên vẫn giữ nguyên nhóm môn Vật lý - Hóa học - Sinh học, chỉ thay môn Địa lý bằng Giáo dục Kinh tế và Pháp luật”.
Trong khi đó, em Lê Bảo Châu, trúng tuyển vào lớp 10, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) quyết định chọn nhóm môn Vật lý – Hóa học, Tin học, Công nghệ (Công nghiệp) thay vì chọn Vật lý – Hóa học – Sinh học và Tin học như dự định trước đó. Trường THPT Trần Phú xây dựng sẵn 10 nhóm môn đi kèm với cụm chuyên đề học tập cho học sinh, phụ huynh lựa chọn đăng ký.
Chị Lưu Hương Thơm, phụ huynh của em Châu, cho biết: “Trong buổi tư vấn đăng ký môn lựa chọn, ban giám hiệu nhà trường đã phân tích kết quả học tập khối lớp 10 của năm đầu tiên triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo đó, nhiều học sinh có kết quả học tập tốt các môn tự nhiên ở bậc THCS nhưng cảm thấy rất áp lực khi đăng ký theo học cả 3 môn Lý – Hóa – Sinh của chương trình lớp 10 vì lượng kiến thức nhiều và chuyên sâu. Đã có một số học sinh có nguyện vọng đổi 1 - 2 môn sang nhóm môn xã hội. Vì vậy, gia đình tôi cùng phân tích và quyết định bớt đi môn Sinh học và thay bằng môn Công nghệ để cân đối việc học”.
Em Nguyễn Mỹ Duyên, trúng tuyển vào lớp 10, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) thì cân nhắc giữa nhóm lựa chọn 1A: Vật lý - Hóa học - Sinh học - Tin học và nhóm 1B gồm Hóa học - Sinh học - Giáo dục Kinh tế và Pháp luật - Công nghệ (Công nghệ trồng trọt).
“Điều em lo lắng nhất là lỡ chọn sai sẽ ảnh hưởng đến các môn học xét tuyển đại học. Nếu đổi môn lựa chọn sau khi học xong lớp 10, chúng em phải tự bổ sung kiến thức, cũng khó khăn và vất vả. Đối với một số bạn chưa định hướng sở trường môn học, chưa hình dung được mình thích hợp với ngành nghề gì thì càng vất vả hơn trong lựa chọn môn học”, Duyên nhận xét.
Ưu tiên lựa chọn của học sinh
Phụ huynh và học sinh lớp 10, Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) có khoảng thời gian nghiên cứu khá dài sau khi nhà trường tổ chức tư vấn đăng ký môn lựa chọn. Nhà trường đưa ra 7 nhóm môn lựa chọn. Đến đầu tháng 8, sẽ “chốt” lại số lượng học sinh đăng ký theo từng nhóm nguyện vọng để cân đối giữa nguyện vọng học sinh và nguồn lực giáo viên để phân lớp.
Thầy Phạm Thạch Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, cho hay: “Với phương châm ưu tiên tối đa nguyện vọng của học sinh, những nhóm môn có số học sinh lựa chọn ít, nhà trường sẽ có 2 hướng giải quyết. Theo đó, tư vấn cho học sinh thay đổi sang nhóm môn khác có nhiều sự tương đồng, chỉ khác một môn học, chẳng hạn như môn Công nghệ (Nông nghiệp) thay cho môn Tin học.
Một hướng khác là vẫn duy trì lớp học truyền thống nhưng sẽ tổ chức học riêng một số môn. Ví dụ, theo thống kê tạm thời, môn Âm nhạc có khoảng 20 học sinh đăng ký, môn Công nghệ (Công nghiệp) cũng có số lượng học sinh đăng ký ít. Nhà trường sẽ sắp xếp các em cùng 1 lớp, thời khóa biểu các môn khác đều giống nhau, riêng 2 môn học này sẽ học đồng thời và chia thành 2 phòng học với biên chế lớp nhỏ hơn”.
Trường THPT Trần Cao Vân (Bình Định) dự kiến biên chế 11 lớp cho khối lớp 10. Nhà trường xây dựng 6 nhóm môn lựa chọn để học sinh đăng ký, mỗi em có 2 nguyện vọng. Căn cứ vào thực tế đăng ký của học sinh, nhà trường sẽ sắp xếp lớp hợp lý. Các nhóm môn lựa chọn được xây dựng đảm bảo 3 điều kiện: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường; đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của học sinh.
Mỗi học sinh lớp 10 của Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đều được đăng ký 2 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên trước hết. Nếu học sinh đăng ký vượt quá số lớp dự kiến, với các lớp thiên về tự nhiên, sẽ xét điểm trung bình chung các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của lớp 9 cộng với điểm thi đầu vào chia trung bình. Với các lớp thiên về nhóm môn xã hội, sẽ cộng điểm 3 môn Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử của năm học lớp 9 cùng điểm thi đầu vào chia trung bình và lấy từ cao đến thấp.
Tuy nhiên, theo cô Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, với những nhóm môn có số lượng học sinh đăng ký vượt dự kiến, nhà trường sẽ cân đối đội ngũ để có thể mở thêm lớp, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Như hiện nay, nhóm khoa học tự nhiên 4, nhà trường dự kiến chỉ biên chế 2 lớp nhưng số học sinh đăng ký đã hơn 3 lớp. Nhà trường đã lựa số giáo viên dạy các môn tự nhiên để điều chỉnh biên chế thành 3 lớp, tăng 1 lớp so với ban đầu.
Từ khảo sát thực tế dạy học cụm chuyên đề học tập khối lớp 10 sau một năm triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đã có sự điều chỉnh khi xây dựng cụm chuyên đề đi kèm với nhóm môn lựa chọn ở năm học 2023 – 2024. Theo đó, năm học 2022 – 2023, khối 10 đều có môn Ngữ văn – Toán trong cụm chuyên đề học tập.
Tuy nhiên, theo cô Hồ Thị Thảo Nguyên, nhiều học sinh lựa chọn nhóm môn thiên về khoa học xã hội không theo kịp nội dung học của cụm chuyên đề học tập môn Toán và ngược lại. Vì vậy, năm học này, với những lớp có nhóm môn lựa chọn thiên về khoa học xã hội sẽ có môn Ngữ văn trong nhóm chuyên đề học tập. Lớp có nhóm môn lựa chọn thiên về khoa học tự nhiên sẽ có môn Toán trong nhóm chuyên đề học tập.