Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
Chiều 28.4, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội (22 Hùng Vương, Hà Nội), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 12, thẩm tra dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, chưa có sự tương thích với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu nội luật hóa liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chưa phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành.

Quang cảnh phiên họp
Một số quy định thiếu tính khả thi; chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ. Quy định về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu chưa toàn diện, đầy đủ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Định Thi cũng cho biết, trong những năm qua, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đã xác định rõ các phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó bao gồm phát triển năng lượng nguyên tử.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu
Một số nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra các nội dung, định hướng hoàn thiện pháp luật về năng lượng nguyên tử, như Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30.11.2024 của Quốc hội về Kỳ họp lần thứ Tám, Quốc hội Khóa XV quyết nghị: “Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25.11.2024 của Chính phủ. Giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử”; Nghị quyết số 189/2025/QH15 ngày 19.2.2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19.2.2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là cần thiết và cấp bách nhằm phát triển bền vững và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, chúng ta cần một khung pháp lý mới, khắc phục những vướng mắc, phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển của đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu
Theo Tờ trình dự án Luật, do đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày, tại phiên họp, dự thảo Luật gồm 12 chương, 73 điều, (giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008); bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ nhất trí.
Cụ thể, gồm: Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các nội dung quy định của dự thảo Luật; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; những vấn đề theo các nhóm chính sách lớn, như: thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân...

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng phát biểu
Các đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: thẩm quyền quyết định, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân; cấp phép xây dựng, vận hành thử, vận hành chính thức đối với nhà máy điện hạt nhân…
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, các ý kiến cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh phạm vi điều chỉnh, nhất là các chính sách của Nhà nước đối với năng lượng nguyên tử.
Có ý kiến đề nghị, bổ sung phạm vi điều chỉnh về thanh sát hạt nhân, bồi thường hạt nhân...; và cho rằng, nên tập trung sửa đổi các nội dung liên quan đến nhà máy điện hạt nhân hoặc xây dựng riêng dự án Luật về điện hạt nhân.
Về cơ quan pháp quy hạt nhân (Điều 7), một số đại biểu đề nghị nên quy định rõ cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập và mối quan hệ công tác; có đủ thẩm quyền, năng lực kỹ thuật và quản lý; hoạt động tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn an ninh hạt nhân của IAEA và các điều ước quốc tế liên quan. Có ý kiến đề nghị, cần quy định rõ các nội hàm về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận các ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban, góp ý của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan và các đại biểu tham dự phiên họp; đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến để Ủy ban hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra và báo cáo Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị tại phiên họp nhằm tiếp thu tối đa và chỉnh lý dự thảo Luật.