'Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo' của ngành công nghiệp thuốc lá

Năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề 'Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo' của Ngày Thế giới không thuốc lá (31.5) với mục tiêu phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là nhắm vào giới trẻ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trên toàn cầu, ngành công nghiệp thuốc lá bán hàng nghìn tỉ điếu thuốc lá mỗi năm. Ngoài thuốc lá điếu thông thường, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và túi nicotine được các công ty quảng bá với tên gọi là "sản phẩm giảm hại". Điều này đã làm cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiểu lầm rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không có hại, không gây nghiện.

Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá điện tử nhắm vào giới trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá

Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá điện tử nhắm vào giới trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá

Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm gây nhầm lẫn, một số tổ chức liên minh với các tập đoàn thuốc lá có tên gọi của tổ chức giống như tên của các tổ chức hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, cụ thể như: “Tổ chức Hành động toàn cầu chấm dứt hút thuốc lá”, “Quỹ xóa bỏ lao động trẻ em trong trồng thuốc lá”, “Quỹ vì một thế giới không khói thuốc” của Tập đoàn Philip Morris nhưng thực chất các quỹ này có sự liên kết chặt chẽ với các công ty thuốc lá.

Về hoạt động của “Quỹ vì một thế giới không khói thuốc”, WHO nêu rõ quan điểm của rằng đây là quỹ do Tập đoàn Philip Morris tài trợ, có mâu thuẫn về lợi ích với công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị các nước và các cán bộ y tế không hợp tác với “Quỹ vì một thế giới không khói thuốc” của Tập đoàn Philip Morris.

Cùng với đó là một số tuyên bố của các tập đoàn thuốc lá gây hiểu lầm và sự thật như tuyên bố: “Ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp cho nghiên cứu khoa học về tác hại của thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Thực tế, trước đây, các nghiên cứu của họ tập trung vào phủ nhận tác hại của thuốc lá. Gần đây khi nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đã được nâng cao, ngành công nghiệp thuốc lá đã chuyển sang quảng bá các sản phẩm mới như là một giải pháp thay thế "an toàn hơn" để tiếp tục thu hút người dùng.

Hay tuyên bố: “Các công ty thuốc lá đang tuân thủ các quy định cấm quảng cáo, tiếp thị sản phẩm”. Nhưng thực tế các tập đoàn thuốc lá trên toàn cầu sử dụng nhiều chiến lược quảng bá, tiếp thị tinh vi, chủ yếu nhằm vào thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng, tài trợ cho các hoạt động thể thao như đua xe, bóng đá...

Ngành công nghiệp thuốc lá cũng cho rằng, đã thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp và mang lại hiệu quả cho cộng đồng. Sự thật là ngành công nghiệp thuốc lá thực hiện với mục đích gây dựng hình ảnh để quảng bá, nhằm che đậy các tác động tiêu cực, bình thường hóa sản phẩm gây nghiện để thu hút người sử dụng.

Đặc biệt, tuyên bố: sản phẩm thuốc lá nung nóng (IQOS) chỉ dành cho người lớn và giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Nhưng những sản phẩm và quảng cáo đang nhắm vào giới trẻ.

Nhiều quốc gia quy định hạn chế hình ảnh thuốc lá trên phim, nếu sử dụng phải có cảnh báo "Hút thuốc lá là nguyên nhân của bệnh ung thư" (ảnh cắt từ một bộ phim của Ấn Độ)

Nhiều quốc gia quy định hạn chế hình ảnh thuốc lá trên phim, nếu sử dụng phải có cảnh báo "Hút thuốc lá là nguyên nhân của bệnh ung thư" (ảnh cắt từ một bộ phim của Ấn Độ)

Báo cáo phân tích mới đây của Tổ chức toàn cầu giám sát ngành công nghiệp thuốc lá (STOP) cho thấy công ty Philip Morris Japan (PMJ) đã lập kế hoạch nhằm tạo ra sự chấp nhận rộng rãi của cộng đồng đối với IQOS (một sản phẩm thuốc lá nung nóng), trong đó bao gồm cả giới trẻ và thậm chí là học sinh chứ không chỉ nhắm tới những người trưởng thành đang hút thuốc.

Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (DFA) chỉ xác nhận IQOS là sản phẩm giảm mức độ tiếp xúc với một số chất trong sản phẩm, không xác nhận đây là sản phẩm giúp giảm nguy cơ về sức khỏe, không công nhận thuốc lá nung nóng là sản phẩm an toàn cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu thông thường.

Việc các công ty thuốc lá khuyến khích người nghiện thuốc lá điếu chuyển sang hút thuốc lá nung nóng để giảm hại là không có cơ sở khoa học. Thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và cũng gây nghiện tương tự như thuốc lá điếu thông thường.

WHO đã khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường”.

Thực hiện Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5 năm 2025 vì một tương lai khỏe mạnh hơn, WHO kêu gọi các nước cùng cùng thúc đẩy thực thi Điều 5.3 của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO để bảo vệ các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo của ngành công nghiệp thuốc lá; Kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc xây dựng các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá; Không hợp tác, không nhận tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá dưới mọi hình thức.

WHO cũng đề cập đến các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả bao gồm: Tăng thuế thuốc lá với mức đủ lớn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập bình quân đầu người và hướng tới mức thuế chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Thực thi cấm toàn diện quảng cáo thuốc lá và nicotine trên các nền tảng số, mạng xã hội và trên các phương tiện giải trí; giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo tại các điểm bán lẻ, trên các nền tảng xã hội hoặc trực tiếp trong trường học; tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá...

MAI TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/vach-tran-su-hap-dan-gia-tao-cua-nganh-cong-nghiep-thuoc-la-134720.html