Văn bằng chứng chỉ giả, tại sao?

Và bằng cấp chứng chỉ giả cũng có nhiều cấp độ, từ giả hoàn toàn, tới giả 1/2, giả 1/3, giả 1/4, học thật bằng giả và học giả bằng thật… muôn hình vạn trạng.

Hôm qua các báo đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang tuyên án 61 bị cáo làm hơn 1.000 bằng, chứng chỉ giả của 2 trường đại học. Mà, đấy là 1 vụ mới nhất, và ở một thành phố trực thuộc tỉnh, do tòa án thành phố ấy xử.

Nếu tính cả nước, chắc chưa ai thống kê có bao nhiêu vụ mua bán bằng cấp giả, bao nhiêu bị phát hiện, bao nhiêu đang ung dung sử dụng.

Và bằng cấp chứng chỉ giả cũng có nhiều cấp độ, từ giả hoàn toàn, tới giả ½, giả 1/3, giả ¼, học thật bằng giả và học giả bằng thật, vân vân muôn hình vạn trạng.

Mới nhất, vụ bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt đang chấn động dư luận. Ông này không có bằng tốt nghiệp PTTH (cấp 3), hay nói một cách uyển ngữ là bằng không hợp pháp, thế mà lần lượt có 2 bằng cử nhân, bằng tiến sĩ và đang chuẩn bị xong bằng tiến sĩ thứ 2.

Vấn đề là, tại sao nạn bằng giả lại nhiều tới thế.

Trừ ông Vương Tấn Việt, cỏ vẻ như bằng cấp của ông chủ yếu là để... nổ, chứ đằng nào ông ấy cũng là... sư rồi (thực ra vì có cái bằng tiến sĩ mà ông ấy được vì nể, được các thầy cô toàn giáo sư tiến sĩ dạy ông suy tôn ông thành sư phụ, và được cả một ông giáo sư tiến sĩ thổi ông lên ngang hàng... lãnh tụ, và nhờ cái bằng mà uy quyền của ông càng cao, và nhờ thế mà ông rất... giàu), thì đa phần số phải "chạy" bằng cấp chủ yếu là để hợp thức hóa lý lịch công chức viên chức hoặc để xin việc, để làm việc, dẫu những việc thủ công như lái xe, lái tàu thủy vân vân...

Nó thể hiện một điều là, công tác tổ chức của chúng ta quá câu nệ vào bằng cấp mà không chú trọng kiểm tra tay nghề, tức phỏng vấn trực tiếp.

Quyền của các ông cán bộ tổ chức rất to, nhưng họ lại không phải là người kiểm tra trực tiếp, họ ngồi giương mục kỉnh đọc hồ sơ.

Và hồ sơ thì quy định phải có bằng cấp như thế chứng chỉ như thế.

Thế là nháo nhào chạy, nháo nhào thi, nháo nhào bằng mọi giá để có.

Quy định dưới 1.58m thì không được lái xe, thế là phải đi mua giấy khám sức khỏe vì mình chỉ 1.57m. Nhưng sau này phát hiện, 1.50m vẫn lái tốt, thế là bỏ.

Có hồi còn suýt quy định ngực lép thì không được lái xe. Khối người đầu tư các tiệm bơm silicon cho các cô gái muốn học lái xe. Hoặc các cô gái có... ngực lớn hăm hở nghĩ cách kiếm tiền từ... thi hộ các cô ngực lép.

Có anh bạn bị teo một chân vẫn lái xe vù vù, tôi hỏi, anh bảo nhờ người khám sức khỏe hộ, còn thi thì..., anh bỏ lửng câu nói, và hình như giờ cũng bỏ quy định này rồi. Ngay tôi, nếu đằng thằng ra cũng không đủ điều kiện sức khỏe để học và thi lấy giấy phép lái xe ô tô vì chỉ cao 1.58m. Cũng nhờ được du di, khi khám kiễng chân lên tí, đủ điều kiện. Giờ hình như cũng bỏ quy định chiều cao này.

Còn công chức viên chức ư, tôi nhớ lý lịch phải khai rất rõ: Trình độ Ngoại ngữ, vi tính, các lớp bồi dưỡng đã học: chính trị, hành chính, quốc phòng..., có hồi tôi cãi: đã học xong đại học thì đương nhiên ít nhất cũng đã sơ cấp chính trị, không thì phải trung cấp, vì khi tốt nghiệp đại học đấy là môn thi quốc gia. Ông tổ chức trả lời, ra trung ương mà cãi, họ quy định thế, tôi thực hiện thế, không có thì phải đi học, không học thì... nghỉ.

Tôi không phản đối các loại hình học, đào tạo tại chức, mở, từ xa... mà thậm chí đánh giá cao nó, giúp những người không có điều kiện học tập trung có thể bổ sung kiến thức để họ làm việc tốt hơn. Nước ngoài đã làm việc này rất tốt, ai đã xem phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" thì thấy vai trò dạy học trên radio nó quan trọng và thiết thực như thế nào? Nhưng đấy là với người tha thiết học, cần học, họ học cho mình. Còn ở ta, đa phần bị biến tướng, là để đối phó với cái quy định bằng cấp mà không chú trọng khả năng thực tế kia.

Chả thế mà, có hồi ngay giữa Hà Nội có một cái nơi được mệnh danh là "lò ấp tiến sĩ" ngang nhiên tồn tại, đã "sản xuất" ra rất nhiều tiến sĩ, và nhiều tiến sĩ trong ấy tiếp tục ngồi các hội đồng chấm các thạc sĩ tiến sĩ khác.

Chả thế mà ở một địa phương nọ, rất thiếu cán bộ quản lý y tế và giáo dục. Hỏi, một người có trách nhiệm cho biết, họ, tức những người có khả năng lãnh đạo quản lý ấy, không chịu đi học chính trị. Chuyên môn rất tốt nhưng nếu không có bằng trung cấp hoặc cao cấp chính trị sẽ không được đề bạt. Thế là cứ tự trói chân nhau. Mà thực ra, hiệu trưởng hiệu phó các trường học chả hạn, họ là viên chức quản lý chứ có phải công chức đâu? Nhưng quy định là quy định, thế là thiếu thì cứ thiếu, phải chờ người đủ điều kiện.

Và quan trọng là, sự thực là, những người giỏi thực sự, có khả năng thực sự họ không đi học hoặc không có thời gian học. Cuối cùng họ chỉ làm chuyên môn. Và thiệt thòi lại ở phía người sử dụng họ, không có người giỏi để làm việc tưng xứng. (Tôi là người cũng đã học cao cấp chính trị, có bằng xuất sắc, và thề là, có chết tôi cũng không kể cái lớp tôi làm lớp trưởng ấy đã học như thế nào thi như thế nào mà, tôi từng nói vui là, cần tìm một người bằng trung bình để trao thưởng mà không có, tức toàn khá và giỏi tới xuất sắc).

Và chúng ta cứ luẩn quẩn như thế về chuyện bằng cấp, để chúng ta, cuối cùng, nắm đằng lưỡi, giữ cái bằng mà nhiều khi không phải bằng, cái chứng chỉ được mua trôi nổi ở đâu đấy, và sử dụng người từ những chứng cứ như thế.

Lại nhớ năm nào đấy, bà con người dân tộc thiểu số ở một huyện của tỉnh Gia Lai nô nức ra tận... Hải Phòng để học lái xe, trong đó có rất nhiều người mù chữ. Vô lý đến như thế nhưng nó lại là hiện thực, là sự đã rồi, bởi đấy là những tấm bằng lái thật, do sở giao thông vận tải thành phố Hải Phòng cấp.

Thà như cái vụ mà công an Gia Lai đang điều tra, là có mấy ông bà chả biết tẻo teo nào kiến thức ngành y, nhưng mặc áo blu, thuê tiệm cắt tóc, mở phòng khám to uỳnh ngay đường lớn ở thành phố Pleiku, chữa bệnh và tư vấn. Và họ đã kịp "hành nghề" một thời gian rồi, đã thu kha khá tiền từ kha khá bệnh nhân vào khám rồi. Và giờ, chủ thực sự của cái phòng khám ấy vẫn trốn tránh cơ quan chức năng.

Một điều chắc chắn, tất cả nhân viên ở đấy không có ai học ngành y, dẫu chỉ là y tá, điều dưỡng sơ cấp, tất cả đều mang tên giả, và cái anh chàng non choẹt bị bắt quả tang đang khám bệnh cho khách ấy, khai là học chuyên ngành văn hóa ra. Nhưng chuyên ngành văn hóa là chuyên ngành gì, hệ gì, sơ cấp, trung cấp, đại học hay tiến sĩ thì anh ta cũng không khai. Khi mặc áo blu khám bệnh anh ta xưng là bác sĩ Võ Minh Thanh, nhưng té ra tên thật anh ta là Võ Minh Chiến, sinh 1996 ở một xã xa lắc thuộc huyện Đăk Pơ, Gia Lai.

Câu chuyện cuối nó không liên quan tới bằng cấp, nhưng tôi nhắc để muốn nói, nếu kể sự liều trong việc dối trá liên quan tới tri thức thì 2 vụ, một là ông Vương Tấn Việt có bằng tiến sĩ và 2 là anh chàng Võ Minh Chiến và chủ của anh ta ở Hà Nội đang trốn tránh chưa lộ diện ấy, là vô đối, nói như dân mạng hiện nay thì họ mà thứ 2 thì không ai chủ nhật.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/van-bang-chung-chi-gia-tai-sao-204241024151223203.htm