Văn bằng nào thay thế được chứng chỉ nghiệp vụ lưu trữ?
Người tốt nghiệp đại học ngành Thông tin Thư viện (hoặc các ngành khác ngành lưu trữ) có bằng trung cấp Hành chính văn thư được áp dụng thay thế chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ.
Người thân của ông Nguyễn Viết Hòa (Hưng Yên) là Lưu trữ viên trung cấp, công tác tại lĩnh vực lưu trữ từ năm 2009 đến nay. Hiện nay, tỉnh đang rà soát việc thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Căn cứ Thông tư số 07/2022/TT-BNV ngày 31/8/2022 của Bộ Nội vụ thì người thân của ông Hòa đều đáp ứng đủ điều kiện để thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên Lưu trữ viên theo quy định tại Điều 7, 9 và 10.
Tuy nhiên, hiện nay người thân của ông Hòa đang gặp vướng mắc tại quy định tại Khoản 3, Điều 7 của Thông tư số 07/2022/TT-BNV: "Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp".
Người thân của ông đã tốt nghiệp đại học ngành khác và có chứng chỉ "Nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ" do trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cấp nhưng cơ quan có thẩm quyền cho rằng chứng chỉ Nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ không phải là chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ.
Ông Hòa hỏi, chứng chỉ "Nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ" do trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cấp có phải là chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ như quy định của Thông tư không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ đã có văn bản về quy định tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh nghề nghiệp viên chức, lấy ý kiến Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trước khi báo cáo Bộ Nội vụ.
Ngày 27/10/2022, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã có Công văn số 982/VTLTNN-VP về việc trả lời ý kiến phản ánh kiến nghị của người dân về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh lưu trữ viên đối với trường hợp người tốt nghiệp đại học ngành Thông tin Thư viện có bằng trung cấp Hành chính văn thư.
Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước có ý kiến như sau: Thông tư số 39/2014/TT-BGDĐT ngày 5/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp nhóm ngành Văn thư - Lưu trữ - Bảo tàng gồm các ngành đào tạo: Hành chính văn thư; Văn thư - Lưu trữ; Lưu trữ.
Trong chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Hành chính văn thư, người học được đào tạo về lĩnh vực lưu trữ là 11 tín chỉ (195 tiết), thực tập nghiệp vụ lưu trữ là 2 tín chỉ (90 giờ), nội dung thi tốt nghiệp gồm có lý thuyết tổng hợp của các học phần nghiệp vụ lưu trữ.
Đối chiếu với quy định tại Khoản 3, Điều 7 Thông tư số 07/2022/TT-BNV ngày 31/8/2022 của Bộ Nội vụ, trường hợp người tốt nghiệp đại học ngành Thông tin Thư viện (hoặc các ngành khác ngành lưu trữ) có bằng trung cấp Hành chính văn thư được áp dụng thay thế chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ.