Vẫn câu hỏi cũ…

Giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm, kéo dài nhiều năm nay...

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669.264 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương đạt tỷ lệ 100%. Đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 95,5% kế hoạch giao.

Về thực hiện và giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 đạt 196.669 tỷ đồng, bằng 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.781,7 tỷ đồng, bằng 78,23% kế hoạch; Chương trình Mục tiêu quốc gia là 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.

Dù còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, cả về khách quan và chủ quan nhưng nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, có 11 bộ, cơ quan và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Dù vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nghiêm khắc phê bình 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước và các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

Theo đánh giá, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương có sự cải thiện, đạt 30,51% so với cùng kỳ 28,34% nhưng tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương chỉ đạt 28,77% thấp hơn so với mức cùng kỳ là 32,76%.

Cũng bởi vậy mà nhiều câu hỏi được Thủ tướng đặt ra đó là vì sao được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm? Những khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” đã được chỉ ra trước đây được giải quyết đến đâu? Tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt? Những nơi làm tốt có những kinh nghiệm quý, bài học hay gì?

Việc giải ngân nguồn vốn này năm nào cũng “trắc trở”, dù từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 chỉ thị, 4 công điện, nhiều văn bản chỉ đạo và 5 tổ công tác về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ thường xuyên làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân.

Có nhiều lý do đã được nêu ra. Đó là việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án tại nhiều địa phương còn chậm dẫn đến nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn để đấu thầu, thi công.

Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, còn tình trạng chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất. Tại nhiều địa phương vẫn còn các dự án đang triển khai thực hiện thi công nhưng vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao. Một số nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế năng lực yếu…

Những lý do này không mới và giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm, kéo dài nhiều năm nay. Bởi vậy, dứt khoát phải trả lời được câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra, rằng tại sao chúng ta luôn quan tâm đến điều này, giải ngân vốn đầu tư công là một động lực tăng trưởng, trong lúc ưu tiên cho tăng trưởng thì phải tập trung cho động lực này thế mà động lực này vẫn ì ạch?

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-cau-hoi-cu-post692098.html