Văn Chấn nỗ lực 4 nhóm mục tiêu chuyển đổi số

Huyện Văn Chấnuyện đề ra 4 nhóm mục tiêu với 51 chỉ tiêu cụ thể về chuyển đổi số (CĐS), trong đó tập trung nhiệm vụ quan trọng là phát triển hạ tầng số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và triển khai, nhân rộng các mô hình CĐS hiệu quả.

Những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi ở độ cao 1.400m tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn được gắn mã QR code

Những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi ở độ cao 1.400m tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn được gắn mã QR code

Để sản phẩm chè Shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu, những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng đã tăng cường phối hợp quảng bá thương hiệu bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa với phát triển du lịch; đồng thời ứng dụng công nghệ trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại; linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của HTX.

Vừa qua, HTX Suối Giàng được tỉnh hỗ trợ CĐS với 5 nội dung, nổi bật là triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm chè Shan tuyết đến tận gốc cây chè cổ thụ. Bước đầu đã thí điểm gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng và bộ tem dán trên sản phẩm chè khô đóng gói, chia theo 4 nhóm tuổi gồm: 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi và từ 100 tuổi trở lên.

Bà Lâm Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết: "Bước đầu thí điểm triển khai đối với cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng cho thấy hiệu quả rõ nét, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng; đồng thời, cũng giúp du khách đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có thêm trải nghiệm thú vị khi qua việc quét mã QR có thể xem được các thông tin, câu chuyện kể về cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi và cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bà con trong bảo tồn, giữ gìn cây chè quý. Hiện nay, HTX Suối Giàng đã có 4 dòng sản phẩm mang tên "Tuyết Sơn Trà” gồm: hồng trà, hoàng trà, diệp trà và bạch trà được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm... xuất khẩu sang thị trường Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc".

Bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: "Để hỗ trợ HTX Suối Giàng CĐS, Sở Thông tin và Truyền thông và huyện Văn Chấn đã hỗ trợ HTX triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm chè san tuyết đến tận gốc cây chè cổ thụ. Hướng dẫn, hỗ trợ HTX tham gia các sàn thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm trực tuyến; kết nối thông tin các chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử quốc tế của Bộ Công Thương; giới thiệu đưa sản phẩm lên Hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Yên Bái; phối hợp với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương hỗ trợ thiết kế, nâng cấp bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến cho HTX Suối Giàng tại điện chỉ: https://tuyetsontrasuoigiang.com.vn/”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Suối Giàng đang triển khai mô hình du lịch "Homestay công nghệ số” gắn với du lịch canh nông; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký thương hiệu sản phẩm kinh doanh; triển khai mô hình Dòng họ số đối với dòng họ Giàng tại 2 thôn Giàng A, Giàng B và phát triển 74 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với tiền điện, tiền dịch vụ viễn thông.

Không chỉ ở Suối Giàng, với nhiệm vụ CĐS, huyện đề ra 4 nhóm mục tiêu với 51 chỉ tiêu cụ thể, trong đó tập trung nhiệm vụ quan trọng là phát triển hạ tầng số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và triển khai, nhân rộng các mô hình CĐS.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng các trạm phát sóng di động để phủ các vùng lõm sóng, trắng sóng. Viettel triển khai xây mới 4 trạm BTS phục vụ cho các xã: Đồng khê, Nghĩa Tâm, Minh An, Bình Thuận, Nậm Lành. VNPT triển khai 6 trạm BTS mới. Đồng thời, triển khai mạng không dây miễn phí tại khu du lịch Suối Giàng, Chợ Sơn Thịnh, tại 77/200 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố, các trường học và các trạm y tế, các trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Huyện cũng đã triển khai Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc đến 870 tài khoản; 85% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định. 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản lý văn bản điện tử.

100% tỷ lệ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CĐS, công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước được tập huấn, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao về an toàn thông tin mạng; 79.5% tỷ lệ hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp được số hóa, lưu trữ và tái sử dụng cấp huyện và 70% người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến khi thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh Yên Bái.

Đến nay,100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản hiện đang được đưa vào kinh doanh trên các sàn Thương mại điện tử.

Toàn huyện Văn Chấn hiện có 213 tổ CĐS cấp thôn, bản, tổ dân phố với 1.157 thành viên và 24 tổ CĐS cấp xã, thị trấn với 242 thành viên; 97,5% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử; 61/61 đơn vị trường học thực hiện CĐS và mở rộng triển khai mô hình dòng họ số tại 4 xã: Suối Giàng; Đồng Khê; Cát Thịnh; Sơn Lương.

Ông Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Việc thực hiện CĐS ở Văn Chấn cũng gặp khó khăn do huyện có địa bàn rộng, trải dài với trên 66% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện vẫn còn 8 thôn, bản chưa có điện lưới, chưa có mạng cố định băng rộng. Nguồn kinh phí dành cho nhiệm vụ CĐS không có chưa đáp ứng được nhu cầu thực hiện thực tế tại địa phương.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ CĐS trong thời gian tới, huyện Văn Chấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích về CĐS mang lại cho người dân; tiếp tục triển khai điện lưới tại các khu vực chưa có điện, hoàn thiện hạ tầng giao thông; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng cơ bản về CĐS, an toàn thông tin, kỹ năng khai thác thông tin phân tích dữ liệu cho cán bộ công chức, viên chức.

Văn Chấn phấn đấu trong năm 2024, có 4/24 xã đạt chuẩn CĐS; 100% các điểm du lịch cung cấp dịch vụ Internet không dây (kết nối Wifi tốc độ cao) miễn phí phục vụ du khách; 100% các điểm du lịch chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt…

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/324624/van-chan-no-luc-chuyen-doi-so.aspx