Vận chuyển Sài Gòn Tourist bị yêu cầu mở thủ tục phá sản sau nhiều năm làm ăn thua lỗ
Cổ đông lớn yêu cầu Tòa án nhân dân TP.HCM mở thủ tục phá sản đối với CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (UPCoM: STT).
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hồng – Thành viên Hội đồng quản trị đồng thời là cổ đông lớn sở hữu 21,8% vốn STT cho rằng Công ty đã hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.
Vì vậy, cổ đông này đã yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở thủ tục phá sản đối với Vận chuyển Sài Gòn Tourist.
Theo đó, Tòa án yêu cầu Công ty trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu bao gồm Báo cáo tài chính trong 3 năm gần nhất, bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán.
Báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khôi phục doanh nghiệp mà vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, Công ty còn phải xuất trình thêm bảng kê chi tiết tài sản, địa điểm có tài sản, danh sách chủ nợ và người mắc nợ…
Vận chuyển Sài Gòn Tourist tiền thân là đội xe vận chuyển du lịch của Công ty Du lịch TP. HCM, được tiếp quản từ giữa năm 1976. Doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2004 và chính thức niêm yết trên sàn vào năm 2011.
Hoạt động kinh doanh được phân thành 4 mảng chính, bao gồm dịch vụ vận chuyển, tổ chức du lịch lữ hành, dịch vụ bảo vệ và các loại hình khác (đào tạo lái xe, xuất khẩu lao động, bất động sản...).
Từ năm 2012 đến nay, Công ty liên tiếp thua lỗ. Sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM hủy niêm yết đối từ đầu tháng 7/2018 do kinh doanh bết bát, STT chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM.
Trong năm 2019, Vận chuyển Sài Gòn Tourist ghi nhận doanh thuần đạt hơn 35 tỷ đồng và lỗ hơn 13 tỷ đồng, trong khi năm 2018 chỉ lỗ hơn 1 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, lỗ lũy kế của Công ty đã lên mức hơn 93 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty còn đang đối mặt với những tổn thất do hậu quả của hệ thống điều hành cũ và hành vi phá hoại, cản trở vì lợi ích nhóm. Điều này khiến Tổng Giám đốc Kakazu Shogo bắt đầu thoái vốn vào tháng 10/2019, sau 5 năm điều hành doanh nghiệp này nhưng đến nay vẫn chưa thành công.