Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống lãng phí trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm hàng đầu đến việc đấu tranh chống lại các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu dưới nhiều góc độ, hình thức khác nhau. Lãng phí không chỉ diễn ra ngay khi nước nhà mới độc lập, mà hiện nay sự lãng phí trên mọi phương diện ngày càng nhiều, ở mọi lúc, mọi nơi. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, càng cấp thiết trong bối cảnh mới hiện nay.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh quán triệt nội dung phiên họp (Ảnh ĐÌNH QUANG)

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh quán triệt nội dung phiên họp (Ảnh ĐÌNH QUANG)

Với 2.500 bài viết, bài nói chuyện, bức thư,... của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có 200 bài về tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biện pháp phòng, chống tệ nạn này. Người không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về bệnh lãng phí và những tiêu chí đánh giá thế nào là lãng phí, mà trên cơ sở những biểu hiện cụ thể trong đời sống hàng ngày, những tàn xư, tệ nạn của xã hội cũ, từ đó, Người chỉ ra đó là hiện tượng lãng phí và cần thiết phải diệt trừ nó. Trên cơ sở những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nhận diện ra lãng phí là một hiện tượng xã hội, hiện tượng vượt quá chuẩn, quá cái chung cần thiết trong đời sống xã hội, đó là lãng phí, là không tiết kiệm.

Ngày 27/1/1952, trong bài nói chuyện nhân dịp Tết Nhâm Thìn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ về chống nạn lãng phí và nội hàm của khái niệm lãng phí: “Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho Nhân dân và Chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô… Vì vậy, từ nay, toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sỹ, toàn thể cán bộ phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào”.

Người chỉ rõ về những biểu hiện, cách thức của lãng phí: “Lãng phí có nhiều cách: lãng phí sức lao động, vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người…; lãng phí thời giờ, Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày…; lãng phí tiền của, có rất nhiều hình thức:…các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm… các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý…”.

Bên cạnh việc chỉ rõ thế nào là lãng phí, Người nêu ra nguyên nhân gây ra tệ nạn này, các hình thức biểu hiện của nó: lãng phí đều là những nguyên nhân trực tiếp làm thâm hụt ngân sách nhà nước, làm suy yếu các nguồn lực phát triển và chúng đều là mối đe dọa đến sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.

Phân tích nguyên nhân của tệ nạn tham ô và lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng quan liêu là nguồn gốc nảy sinh của nạn tham ô, lãng phí, do vậy trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân: “Vì đâu mà có lãng phí và tham ô? Vì cán bộ phụ trách lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan không đi sát công việc, cán bộ, quần chúng nhân dân. Có thể nói bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở được”.

Vì chủ nghĩa cá nhân ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của Nhân dân, mà thường lo cho lợi ích của riêng mình. Từ đó, Người cho rằng, chính chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, nguồn gốc, là bệnh mẹ sinh ra mọi tính nết xấu xa như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, lãng phí, tham ô,...Trong nhiều trường hợp, tham ô, lãng phí đều bắt nguồn từ những động cơ vụ lợi của một bộ phận cán bộ có chức quyền. Khi đó, để tham ô, làm lợi cho cá nhân hay nhóm lợi ích thì họ cố tình làm lãng phí, thất thoát các nguồn lực hơn nhiều so với phần mà họ tham ô, theo đó tham ô phát triển tất yếu dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát ngày càng nhiều, chính là mảnh đất màu mỡ cho tham ô phát triển.

Về tác hại của lãng phí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và niềm tin của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến mức độ nguy hiểm của các loại kẻ thù này. Người cho rằng: “Tham ô, lãng phí và quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm ngay trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công cuộc của ta”.

Đối với tội tham ô và tội lãng phí, Người chỉ rõ tác hại của lãng phí lớn hơn nhiều so với tham ô: “Có người lại nói tham ô mới có tội, còn lãng phí thì không có tội. Thực ra việc khác nhau nhưng kết quả vẫn hao tổn của công, của Chính phủ, của Nhân dân. Tham ô có hại; nhưng lãng phí có khi có hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến: lãng phí của cải, thì giờ, lực lượng của Nhân dân, của Chính phủ”.

Sau khi phân tích rõ những tác hại của nạn lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Chính phủ, các đoàn thể, các cơ quan, các ngành, các địa phương phải ra sức chống lãng phí: “Bây giờ Chính phủ, đoàn thể, Nhân dân, bộ đội đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng như đang vun trồng một rừng cây. Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả; nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Chúng ta phải tiêu diệt các con sâu mọt ấy: Ấy là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí”.

Trong lúc Nhân dân cả nước đang hăng hái sản xuất, giết giặc, thực hiện đúng lời kêu gọi của Chính phủ, cho nên nạn tham ô, lãng phí phải tẩy sạch: “Phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”.

Theo Hồ Chí Minh, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên, giúp cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà; mặt khác, nó giúp cho cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng và theo Người, nhờ đó mà Nhân dân ta đã đoàn kết, càng thêm đoàn kết.

Về cách làm để chống lãng phí, Người chỉ rõ: “Cách làm là: Gây tinh thần quý trọng của công, phản đối lãng phí; cán bộ cao cấp làm gương mẫu; đi đúng đường lối quần chúng. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu để cùng nhau tiến bộ”.

Chống tham ô, quan liêu, lãng phí là cách mạng, là dân chủ và cách mạng là phá bỏ cái cũ xây dựng cái mới, nhưng cũng phải hết sức chú ý đến những cán bộ, đảng viên “những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng. Có những người miệng thì nói: Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, Nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng”

Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực (Ảnh: THANH MAI)

Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực (Ảnh: THANH MAI)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống lãng phí trong bối cảnh hiện nay

Gần 40 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, Đảng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập của tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tình trạng đó làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của nước ta.

Từ năm 1986 đến nay, đại hội đảng các nhiệm kỳ đều nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2012) ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với nhiệm vụ hàng đầu là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII xác định phải: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”.

Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục nhấn mạnh nhiều hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên; trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi...

Xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện Nhà nước và thực tiễn cải cách tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn đổi mới, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với việc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như: Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kết luận số 34-KL/TVV ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TVV; Kế hoạch số 07-KH/TVV ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TVV và Nghị quyết số 56/2017/ QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đối với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu của Đảng và Quốc hội về hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kết quả, đến ngày 31/10/2018, các cơ quan trung ương đã giảm 7 tổng cục; 202 vụ, cục; hơn 14.800 đơn vị cấp phòng. Qua đó, giảm 11 lãnh đạo tổng cục; gần 180 lãnh đạo cấp vụ, cục; gần 900 lãnh đạo cấp phòng và giảm hơn 900 biên chế. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc tinh gọn bộ máy đã giảm 65 tổ chức cấp sở; 5.120 đầu mối cấp phòng; hơn 170 lãnh đạo cấp sở; khoảng 8.350 lãnh đạo cấp phòng và hơn 59.700 biên chế…

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức bộ máy nhà nước vẫn còn hạn chế, yếu kém: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp; việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ; kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt kết quả cao; số người hưởng lương, phụ cấp ngân sách nhà nước lớn; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương thiếu chặt chẽ,…

Trước yêu cầu mới của đất nước về nhu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Đảng chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở thẳng thắn chỉ ra thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng qua các nhiệm kỳ, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ trước bối cảnh mới, nhằm đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, công tác phòng, chống lãng phí đang đặt ra những nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách. Lãng phí diễn ra phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển và nguyên nhân của tình trạng lãng phí được Tổng Bí thư chỉ ra chủ yếu là do bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.

Từ thực trạng của bộ máy hành chính Nhà nước, với 70% ngân sách chi cho nuôi bộ máy, sẽ làm cạn kệt nguồn lực để phát triển: Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu?...Còn 30% thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội ? Vì sao không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80-90% chi ngân sách.

Với tinh thần và quyết tâm chống lãng phí, trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục chỉ rõ tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; phải nhanh chóng hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công; xây dựng văn hóa phòng chống lãng phí; đưa thực hành chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày”;…

Chống lãng phí gắn liền với chống tham ô, tham nhũng và tệ quan liêu được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt ra từ rất sớm và luôn nhận thức đây là một cuộc đấu tranh cách mạng nhằm xóa bỏ những tàn dư của chế độ bóc lột, xây dựng lập trường, đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính. Chống lãng phí trước vận hội lịch sử của đất nước, cần phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành ý thức tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam yêu nước, trở thành văn hóa của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TS DƯƠNG MINH HUỆ - HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-chong-lang-phi-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-5032999.html