Vận hành thông suốt công tác chỉ đạo điều hành, phòng chống thiên tai

Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Trước khi xả lũ, Công ty Thủy điện Sơn La thông báo cho các địa phương vùng hạ du đập Sơn La chủ động biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản. Ảnh tư liệu: Quang Quyết/TTXVN

Trước khi xả lũ, Công ty Thủy điện Sơn La thông báo cho các địa phương vùng hạ du đập Sơn La chủ động biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản. Ảnh tư liệu: Quang Quyết/TTXVN

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để triển khai hiệu quả Luật trong thời gian chờ Nghị định hướng dẫn thi hành, căn cứ nhiệm vụ được giao trong Luật Phòng thủ dân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 về việc đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp.

Theo đó, tại nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục sử dụng tổ chức bộ máy, phương tiện, trang thiết bị hiện có để tổ chức theo dõi, giám sát, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai (bao gồm cả việc tổ chức vận hành các hồ chứa nước theo các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông); tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai từ ngày 1/7/2024 đến thời điểm Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp được kiện toàn theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự và đi vào hoạt động. Qua đó, bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả, không xảy ra khoảng trống, gián đoạn trong công tác theo dõi, giám sát, tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai (nhất là hiện nay đang là thời kỳ cao điểm về nguy cơ xảy ra bão, mưa lũ).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát các quy định hiện hành có liên quan đến trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, kịp thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền phương án xử lý hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu cần) nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả, thống nhất với quy định của Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan.

“Như vậy, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn là cơ quan thường trực, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về lĩnh vực phòng, chống thiên tai”, ông Phạm Đức Luận nhấn mạnh.

Theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/van-hanh-thong-suot-cong-tac-chi-dao-dieu-hanh-phong-chong-thien-tai-20240717102431088.htm