Văn hóa cổ truyền của dân tộc Sê-tiêng

Bình Phước là nơi tập trung người Sê-tiêng đông nhất trong số các dân tộc ít người. Cũng như các đồng bào dân tộc Tây Nguyên, mỗi buôn làng người Sê-tiêng đều có một già làng đứng đầu quản lý - là người giàu kinh nghiệm sống, am hiểu về tập tục, lối sống, có uy tín với dân làng. Cộng đồng Sê-tiêng luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình và truyền lại cho con cháu qua nhiều thế hệ bằng ngôn ngữ, chữ viết và cả những lễ hội dân gian.

VĂN HÓA CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC SÊ-TIÊNG

(Báo Bình Phước, 9-10-1999)

TRẦN TẤN NGHĨA

Dân tộc Sê-tiêng có số người đông nhất trong số các dân tộc ít người ở Bình Phước, là một trong những chủ nhân lâu đời của vùng đất phía Bắc Bình Phước.

Theo tài liệu khảo cổ học, từ những di tích, di chỉ tìm được ở thành cổ tròn Bình Long và Lộc Ninh, thì khả năng xuất hiện của người Sê-tiêng ước lượng từ 2.000 đến 5.500 năm.

Về đặc điểm tộc người, ngôn ngữ của người Sê-tiêng thuộc ngữ hệ Môn-Khmer dòng Nam Á. Người Sê-tiêng trước đây chia làm 4 nhánh chính: Bù Lơ, Bù Đek, Bù Biêk, Bù Lập. Nhưng hiện nay chủ yếu chỉ còn lại 2 nhánh Bù Lơ và Bù Đek. Người Sê-tiêng Bù Lơ là người Sê-tiêng sinh sống ở vùng cao gồm một số xã như Đắk Ơ, Đắk Nhau, Thọ Sơn, Thống Nhất của các huyện Bù Đăng, Phước Long. Người Sê-tiêng Bù Đek là người Sê-tiêng ở thấp hơn như các huyện Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú. Người Sê-tiêng Bù Lơ ở nhà nền đất, canh tác chủ yếu trên nương rẫy. Người Sê-tiêng Bù Đek ở nhà sàn, biết làm ruộng nước và biết sử dụng trâu, bò để cày bừa.

Là một dân tộc thuộc cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, là chủ nhân lâu đời của miền Nam dãy núi Trường Sơn, dân tộc Sê-tiêng có một nền văn hóa mang nhiều sắc thái chung với những anh em Tây Nguyên, nhưng cũng không thiếu những nét độc đáo, phong phú mang tính chất đặc thù bản sắc của dân tộc mình. Chính vì vậy, những gì thuộc bản sắc văn hóa Sê-tiêng rõ ràng phải có một sức sống mãnh liệt mới có thể tồn tại và phát triển được.

Về phong tục tập quán, đứng đầu một bon (buôn) người Sê-tiêng là một già làng (Bu Kuông). Quan hệ gia đình người Sê-tiêng là quan hệ phụ hệ. Luật hôn nhân Sê-tiêng cấm không được kết hôn trong nội tộc, do đó một cặp trai gái muốn đi tới hôn nhân thường phải nhờ già làng và hội đồng bô lão xem xét lại gia phả, dòng họ để tránh phạm luật. Tín ngưỡng của người Sê-tiêng là “vạn vật hữu linh”, họ quan niệm vật gì cũng có hồn, do đó họ thờ đa thần: Thần Mặt trời, Mặt trăng, Thần gió, Thần mưa, Thần núi, Thần sông, Thần nước… Nhưng quan trọng nhất đối với người Sê-tiêng là vị thần Yang Liêng, người đã khai sáng ra vùng đất của người Sê-tiêng hiện nay.

Cũng như các dân tộc ít người khác, người Sê-tiêng cũng có nhiều lễ hội như lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ gieo hạt, lễ bỏ mả, lễ hội đâm trâu… Đặc biệt, lễ đâm trâu của người Sê-tiêng có thủ tục quay đầu trâu là một hình thức vay trả, ơn nghĩa trong cộng đồng.

Về văn hóa dân gian: Người Sê-tiêng có khá nhiều truyền thuyết, truyện kể, thơ ca dân gian nói về nguồn gốc tộc người, về sự tích lai lịch các vị thần, về lịch sử đấu tranh và xây dựng của cộng đồng, về những sinh hoạt thường ngày, về tình yêu nam nữ… Đáng chú ý của cộng đồng người Sê-tiêng có lối hát nối, hát kể (tâm pợt) do một hoặc hai người thể hiện, là một hình thức chuyển tải những truyền thuyết huyền thoại, sự tích hoặc tâm tư nguyện vọng của người Sê-tiêng đối với đồng bào mình.

Về kiến trúc, hội họa, điêu khắc: Người Sê-tiêng nhánh Bù Lơ ở miền cao sinh sống trong những ngôi nhà dài, nền đất, mái tranh, vách bằng tre nứa. Nhà dài của người Sê-tiêng thường khoảng 25-30m, mái thấp gần chạm đất và có 2 cửa ra vào ở 2 đầu nhà. Một bon Sê-tiêng thường có khoảng 5-7 nhà dài, có bon chỉ có 2-3 nhà.

Người Sê-tiêng nhánh Bù Đek thường ở nhà sàn và có 2 dạng: loại nhà sàn dài và ngắn cho từng hộ gia đình.

Người Sê-tiêng cũng có những tượng nhà mồ và chạm khắc trên cây nêu, trên các hình tượng, trên bàn thờ hoặc các vật dụng trang trí trong nhà, các công cụ lao động sản xuất.

Trước đây, người Sê-tiêng nổi tiếng với nghề thợ rèn đạt trình độ khá cao, nhiều công cụ, vật dụng tinh xảo đã được các nghệ nhân Sê-tiêng chế tác. Bên cạnh đó, nghề dệt và nhuộm vải bằng vỏ cây rừng cũng là một nghề thủ công phát triển trong cộng đồng người Sê-tiêng. Về âm nhạc và múa: Người Sê-tiêng bản tính đôn hậu, trầm lắng và rất yêu ca hát. Trong vốn âm nhạc cổ truyền của người đồng bào Sê-tiêng, nghệ thuật cồng chiêng nổi lên như một viên ngọc sáng. Cồng chiêng đã gắn bó với người Sê-tiêng như máu thịt, nó đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh vật chất, tinh thần của đồng bào. Nó đã khẳng định được một chỗ đứng vững chắc, một giá trị đáng tự hào trong đại gia đình cồng chiêng Việt Nam.

Bên cạnh cồng chiêng, người Sê-tiêng còn biết chế tác và sử dụng nhiều thứ nhạc cụ như kèn M’buốt, sáo Tơ lết, sáo U-kooc-le, sáo pi, sáo N’hôm, kèn Nung-bien, đàn Đinh-pút và một số loại trống. Nhạc Sê-tiêng là những bài bản ngắn gọn, đơn giản, thường thể hiện mô phỏng tiếng suối, tiếng gió, tiếng chim, sóc, những hiện tượng tự nhiên gần gũi với cuộc sống của đồng bào.

Về múa, Sê-tiêng có điệu múa trong lễ hiến sinh, trong cúng con bà Bóng, những động tác, đội hình mang tính chất múa như khi biểu diễn cồng chiêng đi nhiều vòng.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/173006/van-hoa-co-truyen-cua-dan-toc-se-tieng