Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Bài thơ vịnh bức tranh hổ của Hoàng đế Minh Mạng

TTH - Trị vì đất nước trong 20 năm, hoàng đế Minh Mạng (1820 - 1940) đã chủ trương và thi hành cải cách đất nước mọi mặt về đối nội lẫn đối ngoại.

Trong nội trị, các đường lối chính sách về tổ chức hành chính, tổ chức chính quyền, quân đội đến đinh điền, thuế khóa, kinh tế nông nghiệp; từ văn hóa giáo dục đến khoa học kỹ thuật..., đều được cải tổ, tạo ra một bước chuyển lớn đối với sự chấn hưng, phát triển đất nước. "Di sản chính trị" ấy là nền tảng thuận lợi để các triều vua Nguyễn tiếp theo kế thừa và phát huy.

Nhưng một trong những di sản mà vua Minh Mạng để lại mà đến nay chưa có sự đánh giá toàn diện, đó là di sản văn chương. Bên cạnh các loại ngự chế văn, hoàng đế Minh Mạng đã sở đắc một di sản thi ca khá đồ sộ với số lượng 8 bộ thơ ngự chế, ngự đề được phân chia thành các tập, các quyển. Tổng cộng số lượng bài thơ mà nhà vua đã sáng tác lên đến trên 4.200 bài thơ. Tác phẩm thơ in đầu tiên là bộ Ngự chế thi, khắc in từ năm Tân Mão (1831). Nhà vua làm thơ như một công việc hằng ngày, đi đến đâu, làm gì sau đó tức sự thành thơ để ghi lại; nghĩ đến việc là nghĩ đến thơ. Nhiều bài thơ được hình thành trong những khoảnh khắc như vậy.

Bài thơ Hí đề họa hổ (Đề chơi bức họa con hổ) in trong Ngự chế thi lục tập, Q.10, tờ 22a

Bài thơ Hí đề họa hổ (Đề chơi bức họa con hổ) in trong Ngự chế thi lục tập, Q.10, tờ 22a

Bài thơ Hí đề họa hổ (Đề chơi bức họa con hổ) in trong Ngự chế thi lục tập, Q.10, tờ 22a là trường hợp tương tự. Nhìn ngắm bức tranh con hổ treo trên vách cung điện, nhà vua triết lý về cuộc đời từ con hổ giấy (tồn tại trong tranh) mà ở ngoài đời, giống loài này từng gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho đời sống dân chúng thời bấy giờ.

Phiên âm:

Bất cư lâm dục nội,

Phản tại họa đồ trung.

Biến thể ban văn lạn,

Điếu tình cố phán hùng.

Phất tri thận chỉ mặc,

Khước dục giả uy phong.

Thục ủy bì mao ố,

Thùy kinh phụ nhu trung.

Dịch thơ:

Không sống rừng hang núi,

Dáng hiện ở trong tranh.

Biến hình vằn vện rối,

Trời quang ngoái mắt rình.

Chẳng biết dè giấy mực,

Oai phong muốn giả hình.

Này đây da lông bẩn,

Con trẻ, đàn bà kinh.

Bài thơ mang một triết lý về nhân sinh, xem con hổ vẽ trong tranh là chẳng biết kiêng dè giấy mực để làm nên một oai phong giả tạo (Phất tri thận chỉ mặc/Khước dục giả uy phong), và rốt cuộc cũng hù họa được trẻ nít và đàn bà mà thôi. Đề chơi bức họa con hổ như nhan đề bài thơ là một cách nói, nhưng đồng thời cũng thể hiện quan niệm của nhà vua về lẽ thật, giả ở đời, có ý nghĩa nhân sinh...

Bài, ảnh: Nguyễn Phước Hải Trung

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/bai-tho-vinh-buc-tranh-ho-cua-hoang-de-minh-mang-a108919.html