Nhà thiết kế Diego Chula (sinh năm 1972) tên thật là Del Valle Cortizas Diego, đến từ Tây Ban Nha, nơi có những trận đấu bò tót sôi động cùng vũ điệu Flamenco say đắm lòng người, mang theo tâm hồn và hơi thở cuộc sống của mỗi người dân nơi đây.
Thế nhưng Diego Chula lại "trót" yêu sâu nặng văn hóa Việt Nam, cùng với một trái tim luôn thổn thức, mê hoặc trước bản sắc dân tộc của đất nước nghìn năm văn hiến cùng tà áo dài duyên dáng, thướt tha.
Đúng với ý nghĩa của từ "Chula" trong tiếng Tây Ban Nha, tiếng kêu cảm thán khi bất chợt bắt gặp một vẻ đẹp nào đó, mà ông lấy làm biệt danh, Diego cũng muốn mọi người phải thốt lên trước những nét "văn hóa cổ kính len trong từng ngõ ngách, những vẻ đẹp ẩn náu trong từng con phố" của văn hóa Việt.
Chính vì vậy, năm 2004, ông đã xin nghỉ việc, bán hết tài sản và cùng gia đình quyết định đến với Việt Nam, để cả cuộc sống và tâm hồn mình được hòa cùng với bản sắc xứ Việt nơi mà ông đã "yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên".
Với tình yêu chân thành cũng khả năng sáng tạo tuyệt vời, gần 20 năm gắn bó với Việt Nam, Diego Chula đã xây dựng được sự nghiệp vững chắc trong làng thời trang, được mọi người biết đến với những thiết kế pha trộn giữa nét đẹp truyền thống Việt Nam và sự nhấn nhá phóng khoáng của Tây Ban Nha.
Không chỉ tài năng, mọi người còn biết đến Diego Chula qua một nhân cách vàng, một trái tim ấm áp, thân thiện, giàu lòng trắc ẩn. Ông cùng vợ mình đã xây dựng "xưởng may không lời" nơi 80% những người thợ bị khiếm thính hoặc khuyết tật vận động. Đồng thời đây cũng là không gian sáng tạo và văn hóa với nhiều hoạt động ý nghĩa cho giới nghệ sĩ trẻ.
Thế nên, nghe tin Diego Chula đột ngột qua đời vào chiều ngày 13-10-2021, nhiều người Việt đã không khỏi bàng hoàng, đau đớn và nuối tiếc cho số phận tài hoa của một nhà thiết kế còn nhiều dự định dang dở. Hình ảnh thời trang về thổ cẩm cho chương trình "Ngày quốc gia Việt Nam" 30-12 tại Hội chợ triển lãm Expo 2020 (Dubai).
Tuy nhiên, đúng như tinh thần trong "Thép đã tôi thế đấy", Diego Chula có thể nói rằng: "Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời" và đó chính là những giá trị trong từng bản vẽ, từng thiết kế với khát vọng lưu giữ cái đẹp và tôn vinh nó lên tầm cao thế giới.
Nặng tình nhất trong cả sự nghiệp của Diego Chula, có lẽ đó chính là Hà Nội. Với những thiết kế nguyên mảng, cùng hình khối lớn và bố cục chắc khỏe, Hà Nội hiện lên chân thật, giữ nguyên hơi thở cổ kính và nét đẹp thanh lịch của người Tràng An.
Bộ sưu tập “Chula loves Hanoi” tại Tuần lễ thời trang Thu Đông Việt Nam 2014 như nói lên phần nào tiếng lòng, tình yêu của ông với Hà Nội. Những thiết kế thời trang thể hiện sinh động về con người, cuộc sống, cảnh quan Hà Nội từ những địa điểm nổi tiếng như cầu Long Biên, cột cờ Hà Nội, Khuê Văn Các, đến những điều bình dị như biển quảng cáo dầy đặc số điện thoại trên tường, đường dây điện chằng chịt, bếp than tổ ong…
Những thiết kế của ông được nhiều người nổi tiếng Việt Nam lựa chọn khi trình diễn trên những sàn catwalk lớn của quốc tế. Diễn viên Thùy Anh mặc váy Chula thiết kế họa tiết song cửa khi tham gia Liên hoan phim Venice 2014 và hoa hậu Thùy Dung trình diễn áo dài Chula tại Ngày hội văn hóa ở Rome, Italy năm 2015.
Nhưng có lẽ điều đặc biệt hơn cả là ông đã cùng những cộng sự của mình tổ chức buổi trình diễn thời trang áo dài với sự tham gia của dàn người mẫu không chuyên là các chị em ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống, chính vì vậy, buổi trình diễn là một món quà tinh thần chân thực, giàu cảm xúc dành cho người Hà Nội. Chỉ với những vật trang trí đời thường như chiếc bu gà, thùng phuy cùng bức tường "Con rồng Long Biên", nhưng Chula đã tạo ra sức hút mãnh liệt trong cộng đồng với nghệ thuật.
Sau Hà Nội, niềm trăn trở không ngừng của Diego Chula đó chính là thổ cẩm, với mong muốn chất liệu này sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong thời trang hiện đại cũng như vươn mình ra thế giới.
Tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 năm 2020, ông đã giới thiệu bộ sưu tập “We love Tho cam” thể hiện sự đa dạng, độc đáo và đặc sắc đến từ các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.
Ngoài ra, khi xem thiết kế của Diego, ông còn khiến mỗi người chúng ta kinh ngạc, thì ra nghệ thuật không chỉ hàn lâm và trìu tượng mà nó chân thực đến ngỡ ngàng từ những viên than tổ ong, những chồng gạch ở công trường, thìa và đũa phơi trong rổ nhựa, bó nhang trên giàn hay những cánh đồng lúa xanh rì điểm tô bởi cột cây số 2 màu đỏ trắng…
Ông cho rằng: “Với tôi áo dài là đẹp nhất trong số các trang phục Việt Nam. Là một nhà thiết kế Việt Nam, tôi có nghĩa vụ giữ cho di sản này tiếp tục hành trình của nó trong dòng chảy thời gian. Tôi đến từ Tây Ban Nha, nơi cũng có một nền văn hóa giàu bản sắc và tôi nghĩ rằng, tại sao không thử kết hợp 2 nền văn hóa lại với nhau trên cùng một sản phẩm". Và chiếc áo dài họa tiết ghitar chính là một tác phẩm như thế.
Nhà thiết kế ấy bộc bạch: "Tôi yêu và biết ơn nền văn hóa Việt", tuy nhiên người Việt Nam cũng chân thành cảm ơn và biết ơn ông khi đã yêu và lưu giữ những nền văn hóa, những nét đẹp truyền thống lâu đời, kết nối triệu triệu trái tim người yêu Việt Nam trên toàn thế giới, giúp tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với Tây Ban Nha.
Ông cũng để lại một bài học sâu sắc cho giới nghệ sĩ trẻ, giúp họ nhận ra sự giàu có và tươi đẹp của nền văn hóa Việt Nam để có thể yêu thương, trân quý như hơi thở cuộc sống và đem hết sức mình lưu giữ, phát triển theo thời gian.
Thảo Lương