'Văn hóa xứ Thanh - Những giá trị đặc sắc' (Bài 2): 'Cái nôi' di sản văn hóa
Được xem là 'cái nôi' di sản văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Thanh rất giàu giá trị và tính biểu tượng. Để rồi, khi tìm hiểu lịch sử vùng đất này, người ta đã phải cảm thán rằng, xứ Thanh là mảnh đất đầy 'ẩn ức', 'quyến rũ' và 'có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại'.
Cổng Nam di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Ảnh: Khôi Nguyên
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà khái niệm “văn hóa” lại mang tính giá trị. Theo quan niệm phương Đông truyền thống, “văn” còn có nghĩa là “vẻ đẹp”, là “giá trị”, cho nên văn hóa mang hàm nghĩa “trở thành đẹp, thành có giá trị”. Hiểu theo nghĩa chiết tự ấy, văn hóa - thành quả từ sự kết tinh của vô vàn kinh nghiệm, trí tuệ, sự tài hoa và sức sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta - chính là món quà vô giá gửi đến tương lai, hay là tài sản vô giá mà hậu thế đang được thừa hưởng, vun đắp để tiếp tục trao truyền. Đồng thời, các di sản văn hóa cũng được ví như bức thông điệp nhân văn được chép lên nền “gấm góc” Tổ quốc và hun đúc nên tâm hồn, bản lĩnh và khí phách dân tộc.
Từ dặm dài lịch sử, các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nên nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, độc đáo, giàu giá trị. Minh chứng là trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, nhiều di sản văn hóa - gồm cả vật thể và phi vật thể - liên tục được vinh danh ở hạng mục di sản văn hóa cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Thậm chí, nhiều di sản ấy đã vượt ra ngoài giới hạn địa lý và không gian sinh hoạt của một cộng đồng tài sản chung của toàn nhân loại. Và, nói đến dấu ấn văn hóa xứ Thanh trên bức tranh văn hóa dân tộc là nói đến các di sản thế giới, di sản quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là những công trình kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, lễ hội, trò diễn dân gian có lịch sử hàng trăm năm, thậm chí là nghìn năm, đã đặt “nền móng” để góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa xứ Thanh trong lòng dân tộc; đồng thời, hun đúc nên bản sắc văn hóa, hệ giá trị của văn hóa và là một nguồn lực cho phát triển. Trong đó, di sản vật thể phải kể đến Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, hang Con Moong...; còn di sản văn hóa phi vật thể không thể không nhắc đến những di sản đặc sắc và có tính đại diện cho văn hóa xứ Thanh như lễ hội Đền Bà Triệu - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 và Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; lễ hội Lam Kinh gắn với khởi nghĩa Lam Sơn và Anh hùng dân tộc Lê Lợi; lễ hội Lê Hoàn gắn với di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn và hoàng đế Lê Đại Hành...
Nếu nói di sản văn hóa vật thể là “bản mô tả lịch sử” bằng hiện vật đầy sống động, mà khi nhìn vào đó người ta thấy được cả sự hưng vong của một quốc gia, dân tộc; thì Thành Nhà Hồ là đại diện tiêu biểu nhất cho điều đó. Một công trình bằng đá kỳ vĩ, được xây dựng trong 3 tháng và tồn tại hơn 600 năm, để rồi vượt qua ranh giới địa lý và quan điểm khác biệt, tòa thành đá đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, nét nổi bật nhất của di sản này chính là tòa thành bằng đá bao quanh cung vua hiếm có trên thế giới. Tính “đột khởi” trong xây dựng thành Tây Đô không gì khác là việc sử dụng các khối đá khổng lồ, với một chu trình kỹ thuật đồng bộ, hoàn hảo. Từ việc tìm nguyên liệu, khai thác, vận chuyển, chế tác đến xây, xếp để vừa đạt công năng quân sự, vừa bảo đảm các yêu cầu mỹ thuật, thực sự là một kỳ công, cũng là một bí ẩn chưa có thực nghiệm chứng minh. Đồng thời, giá trị của tòa thành đã phát lộ suốt hơn 6 thế kỷ, cùng nhiều tinh hoa kiến trúc, nghệ thuật vẫn đang nằm sâu trong lòng đất, dưới các vỉa tầng khảo cổ đang rất cần được tìm hiểu để có biện pháp bảo tồn hợp lý.
Nằm trong vùng đệm rừng quốc gia Cúc Phương, di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận (bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) lại kể cho hậu thế nhiều câu chuyện lý thú về truyền thống cư trú hang động, truyền thống sử dụng công cụ đá và sự tiến triển về loại hình, kỹ thuật chế tác công cụ. Đồng thời, nó cho thấy sự biến đổi của khí hậu và sự thích ứng của con người trong suốt nhiều vạn năm. Đó trước hết là câu chuyện về sự thay đổi từ kỹ nghệ công cụ đá, với sự độc tôn của kỹ nghệ mảnh tước đá quartz hơn 6-4 vạn năm trước, sang kỹ nghệ cuội ghè và mảnh tước giai đoạn 4-2 vạn năm, để rồi xác lập ở đây các yếu tố văn hóa đá cũ Sơn Vi, đá mới Hòa Bình, đến văn hóa sau Hòa Bình. Đặc biệt, với những lớp trầm tích văn hóa còn nằm sâu trong lòng di tích và cả những hiện vật đã khai quật, nghiên cứu, giới khoa học cho rằng hang Con Moong và các di tích phụ cận là một “bảo tàng khảo cổ học” hết sức sống động hay một pho “sử thi” đồ sộ bằng di vật về lịch sử hình thành, tiến hóa và phát triển không ngừng của loài người.
Màn sân khấu hóa cuộc khởi nghĩa Lê Lợi trong lễ hội Lam Kinh.
Cùng với di sản vật thể, trong kho tàng di sản xứ Thanh còn có những “báu vật”, còn gìn giữ trong lòng nó những quan niệm, phong tục tập quán, lễ nghi truyền thống và là “sân khấu” diễn xướng các trò chơi, trò diễn, âm nhạc, văn học dân gian đặc sắc. Đó là lễ hội, mà điển hình phải kể đến lễ hội Lam Kinh, gắn với di tích quốc gia đặc biệt Lam Linh. Lễ hội Lam Kinh đậm tính cung đình, gắn với các nghi thức trang trọng, tôn nghiêm nhằm tôn vinh, ca ngợi công đức Anh hùng dân tộc Lê Lợi và vương triều Hậu Lê trong lịch sử. Cùng với đó, phần hội là bức tranh toàn cảnh về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nổi bật với các nét chấm phá là “hội thề Lũng Nhai”, “Lê Lai cứu chúa”, “Giải phóng thành Đông Quan”, “Lê Thái tổ đăng quang”...; đồng thời, lễ hội Lam Kinh còn là “sân khấu” của các trò diễn dân gian nhiều màu sắc, giàu sức biểu cảm và giá trị nghệ thuật, mà di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trò Xuân Phả là một ví dụ điển hình... Có thể nói, sự ra đời và tồn tại hàng trăm năm của các lễ hội truyền thống nói chung, lễ hội Lam Kinh nói riêng, ví như sợi dây vô hình đã cố kết từng cá nhân thành một cộng đồng bền chặt. Từ đó, tạo dựng nên “thành lũy” ngăn cản sự xâm hại, ăn mòn của văn hóa lai căng, độc hại.
Có thể khẳng định, sự đa dạng, giàu có của kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đã và đang góp phần tạo nên cái “lõi” bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, trở thành những bằng chứng vật chất và tinh thần, giúp hậu thế hiểu rõ về cội nguồn, truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Song, văn hóa không phải là hằng số bất biến; ngược lại, nó cũng biến đổi cùng sự biến đổi của đời sống xã hội. Đồng thời, sự vận hành của xã hội luôn được điều chỉnh bằng hệ giá trị mà mỗi cộng đồng, dân tộc đã tích lũy được trong quá trình lịch sử. Nghĩa là trong sự vận hành của xã hội luôn có sự tác động của văn hóa dưới dạng các hệ giá trị, các quy luật, ước lệ... Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, văn hóa lại là một lĩnh vực dễ bị tổn thương. Do đó, bảo tồn, bảo vệ các di sản văn hóa trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Đồng thời, quan tâm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tránh làm “tổn thương” văn hóa, do các hiện tượng “làm mới” di tích, hay “na ná hóa” lễ hội, thậm chí là “bứt” lễ hội ra khỏi đời sống cộng đồng.
Bàn về vai trò của văn hóa, Đảng ta khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu trình độ phát triển của một dân tộc. Chính vì lẽ đó, văn hóa vừa là nguồn lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển bền vững. Nhìn lại Đề cương về Văn hóa Việt Nam, với các nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng” và “khoa học” để thấy, trong suốt 80 năm qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng, đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các di sản văn hóa giàu giá trị như Thành Nhà Hồ, hang Con Moong, lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Bà Triệu... đã và đang trở thành một yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển hóa “nguồn lực mềm” văn hóa trở thành “sức mạnh mềm”, gắn với quảng bá hình ảnh và xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Và ngược lại, thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa đã giúp nâng cao thương hiệu và vị thế của địa phương trong cả nước và của quốc gia trên trường quốc tế.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên
Bài cuối: Từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” nhìn lại sự phát triển của nghệ thuật truyền thống xứ Thanh.