Văn học trẻ nỗ lực tìm chỗ đứng trong thị trường sách

Văn học trẻ luôn là một mảng màu mới mẻ và đa dạng. Với người viết trẻ, bên cạnh việc sáng tác, xây dựng tên tuổi là điều cần thiết.

Đối với các tác giả trẻ Việt Nam, không dễ dàng để ra mắt một cuốn sách và đạt được doanh thu tốt nếu ấn phẩm không thực sự đột phá và xây dựng được một lớp công chúng riêng từ trước đó. Từ góc độ các đơn vị làm sách, họ cũng khó có thể mặn mà với một ấn phẩm có tiềm năng thị trường thấp. Những thách thức trên đã vô tình khiến tác giả trẻ có thể rơi vào thế con gà quả trứng. Dù vậy, các tác giả trẻ vẫn đang dần khẳng định tên tuổi của mình.

Xác định thị trường và xây dựng tên tuổi

Văn học mạng là một miền đất hứa đối với các cây bút nghiệp dư. Nhờ nó, họ có thể xây dựng tên tuổi của mình trước khi ra mắt một ấn phẩm hoàn chỉnh. Điều này khác biệt lớn so với việc xuất bản truyền thống, người viết gửi sách tới nhà xuất bản, trải qua các khâu biên tập và ra mắt.

Quá trình sáng tác của cây bút Yang Phan là một trong những trường hợp như vậy. Trong những năm đầu sáng tác, thông qua mạng xã hội, tác giả Yang Phan giới thiệu bản sắc văn chương của mình bằng đoản văn ngắn. Theo thời gian, bạn đọc bắt đầu chú ý đến anh nhiều hơn. Có những chủ đề nhạy cảm gây tranh cãi, có những bài viết không thật sự hoàn thiện, nhưng quan trọng, người đọc có thể hình dung được cá tính văn chương của một tác giả mới. Từ đó một cộng đồng nhỏ được hình thành. Sự công nhận của người đọc giúp tác giả nhận được sự tin tưởng từ các nhà xuất bản, tạo điều kiện cho sách ra đời.

 Tác giả Yang Phan. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tác giả Yang Phan. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Có thể thấy, dù sáng tác trên mạng xã hội hay xuất bản sách, chính cá tính của người viết mới là điều làm nên 'thị trường' cho riêng họ. Độc giả cũng yêu thích một tác giả vì bản sắc của họ, chứ không phải là tác giả giống một xu hướng nào đó. Những trào lưu văn chương hay biến động thị trường sách dĩ nhiên vẫn quan trọng, nhưng nó chỉ nên là điều để người viết hiểu thêm về độc giả của mình”, tác giả Biến thể của cô đơn cho biết.

Huỳnh Trọng Khang, tác giả của Mộ phần tuổi trẻ, Nơi không có tuyết, Phật trong hẻm nhỏ cũng nhận định: “Đơn vị xuất bản nào cũng mong muốn xuất bản các tác phẩm hay, nhưng với tình hình xuất bản hiện tại không thể chỉ in ra là được, cả tác giả và nhà xuất bản cần đồng hành với nhau trong việc quảng bá, tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả hơn. Dư luận tốt cũng khích lệ người làm xuất bản rất nhiều”.

Thị trường văn học trẻ vẫn có điểm sáng

Một số người viết nhận thức trước khi ra mắt cuốn sách đầu tay, họ phải xây dựng tên tuổi trước. Nhưng để tạo nên dấu ấn của mình trong mắt các nhà xuất bản và khán giả như nào lại là một bài toán nhiều biến số. Để hỗ trợ cũng như thúc đẩy văn học trẻ, các giải thưởng đã được tổ chức.

Tiêu biểu trong đó có cuộc thi Sáng tác văn học trẻ của Đại học Quốc gia TP.HCM, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cũng có hạng mục cho tác giả trẻ, giải thưởng Văn học tuổi 20... Từ các giải thưởng này, những tên tuổi mới đã được tìm thấy như Nhật Phi với Người ngủ thuê, Miak Cây với Wittgenstein của thiên đường đen

 Tác giả Miak Cây từng đạt giải Văn học tuổi 20 với tác phẩm Wittgenstein của thiên đường đen… Ảnh: FBNV.

Tác giả Miak Cây từng đạt giải Văn học tuổi 20 với tác phẩm Wittgenstein của thiên đường đen… Ảnh: FBNV.

Thị trường ghi nhận những cái tên như Huỳnh Trọng Khang, Lê Quang Trạng, Đức Anh… Những tác phẩm của họ đều mang giá trị về cả mặt thường thức lẫn thương mại.

Năm vừa qua, tác phẩm Tết ở làng địa ngục của tác giả Thảo Trang cũng để lại dấu ấn đáng kể. Xuất phát điểm của Thảo Trang cũng là một người viết truyện trên mạng. Thảo Trang dần khẳng định được tên tuổi của mình qua những bài viết. Cuối cùng cuốn sách đầu tay được ra mắt và bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên, Tết ở làng địa ngục, chính thức đưa cuốn sách trở thành một hiện tượng mới những tháng cuối năm 2023. Đơn vị sở hữu bản quyền, Đinh Tị Books, cũng đã in nối bản tới 15.000 cuốn sách để phục vụ lượng đơn hàng lớn của độc giả.

Trong việc kinh doanh, lựa chọn mạo hiểm là điều đầy trăn trở với mọi công ty sách hay nhà xuất bản. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các đơn vị làm sách phải đóng một cánh cửa với những cá tính văn học độc đáo ngoài kia. Với tinh thần bao dung, cởi mở, những tác phẩm đem lại cả giá trị thương mại lẫn giá trị nghệ thuật vẫn ở ngoài kia và chờ đợi được “khai quật”.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/thi-truong-van-hoc-tre-no-luc-tim-cho-dung-post1482926.html