Vẫn khó phát triển giao thông xanh
Hoạt động giao thông vận tải chiếm khoảng 20% tổng phát thải quốc gia. Để phát triển kinh tế xanh, giao thông xanh là một yếu tố quan trọng.
Tỉ lệ khí phát thải cao
Giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát sinh khí nhà kính, đứng thứ 3 so với các ngành khác như năng lượng, nông nghiệp. Tỉ lệ khí phát thải trong giao thông xấp xỉ 20%. Do đó, phát triển hệ thống giao thông bền vững là yêu cầu cấp thiết, tiến tới tăng trưởng xanh, bền vững.

Tỉ lệ khí phát thải trong giao thông xấp xỉ 20%. Ảnh: M.H
Một số liệu thống kê cho thấy, gần 95% nhu cầu năng lượng trong ngành giao thông vận tải đến từ loại nhiên liệu hóa thạch. Do sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch nên ngành giải thông vận tải phát thải khí nhà kính lớn, chiếm tới gần 24% tổng lượng khí nhà kính cả nước. Do đó rất cần kiểm soát phát thải, đặc biệt đối với giao thông đường bộ.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng với phương tiện giao thông điện. Chúng ta cũng đã có các chính sách trợ giá và hỗ trợ lãi suất để phát triển xe điện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít rào cản khi mà người tiêu dùng còn lo ngại về giá thành xe điện cao, rồi các vấn đề pin, trạm sạc... Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải thì lo lắng về chi phí đầu tư lớn, hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ.
Để thúc đẩy phát triển giao thông xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê - tan của ngành giao thông vận tải, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cùng với đó, hướng trọng tâm phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.
Nhiều địa phương cũng đã ban hành Đề án phát triển giao thông xanh, với mục tiêu và lộ trình rõ ràng. Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về triển khai “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn”. Trong đó đặt ra mục tiêu: Năm 2025 chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 5% và dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100%...
Đến nay, có nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… đã áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hình thành các trung tâm điều hành giao thông thông minh, tăng cường chuyển đổi xanh phương tiện tham gia giao thông.
GS.TS Lê Hùng Lân - Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chi Hội trưởng Chi hội Tự động hóa giao thông vận tải và logistics cho rằng, muốn phát triển giao thông xanh cần thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: hạ tầng xe đạp; nhiên liệu tổng hợp; giao thông công cộng; nhiên liệu sinh học; nhiên liệu hydro, logistics hiệu quả, nhiên liệu bền vững; quy hoạch đô thị; di chuyển thông minh; xe điện và hạ tầng xe điện...
Chuyển đổi sao cho hiệu quả?
Theo TS Lê Xuân Trường (Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải), thách thức lớn nhất với hệ thống giao thông vận tải là vấn đề tối ưu hóa mạng lưới, thiếu nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện các mục tiêu. Để đạt mức phát thải phương tiện thấp hơn đòi hỏi cần phải đầu tư chuyển đổi sang các phương tiện có tiêu chuẩn khí thải cao hơn, gây áp lực chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.
Khi chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện cũng đối mặt với thách thức. Vị chuyên gia dẫn chứng với doanh nghiệp vận tải hành khách, chi phí đầu tư xe buýt 30 chỗ ngồi chạy diesel khoảng 2 tỷ đồng trong khi xe chạy điện có giá gần gấp đôi (khoảng 3,9 tỷ đồng).
Không những thế, các doanh nghiệp phải đầu tư trạm sạc cho các điểm đầu - cuối cho xe buýt điện. Ngoài ra vấn đề chi phí để xử lý pin khi hết thời hạn sử dụng cũng là vấn đề đặt ra…
Đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, thực tế hiện nay mới chỉ ứng dụng phương tiện điện xếp dỡ trong kho, cảng, còn phương tiện vận chuyển trọng tải lớn trên đường chưa được ứng dụng phổ biến.
Còn theo TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, muốn phát triển giao thông xanh vấn đề tiên quyết phải giải quyết được bài toán hạ tầng cơ sở, giảm các phương tiện giao thông cá nhân. Những định hướng nghiên cứu từ năm 1945 đến nay vẫn có giá trị, trong đó, việc ứng dụng AI giúp tối ưu hóa các nút giao thông.
“Hà Nội đã thúc đẩy phát triển được 2 tuyến đường sắt cao tốc, các tuyến đường bộ với hạ tầng cơ sở hiện tại vẫn đang sử dụng, vì vậy để tối ưu hóa nhịp đèn giao thông trên các nút giao thông, chúng ta phải tính đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Phấn đấu đến năm 2027, Hà Nội sẽ phát triển thêm các tuyến đường sắt cao tốc để giảm ùn tắc cục bộ” - ông Rao nêu quan điểm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-kho-phat-trien-giao-thong-xanh-10304321.html