Vận tải là đòn bẩy trực tiếp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước
Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Bốc xếp hàng hóa container tại một cảng biển của nước ta. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lĩnh vực vận tải không chỉ là huyết mạch của nền kinh tế mà còn là lực đẩy cho sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu.
Do đó, thời gian tới, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy kết nối, liên thông giữa các phương thức vận tải, nhằm đòn bẩy cho chuỗi cung ứng và tiêu dùng phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng hai con số
Tại tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Xây dựng chiều ngày 7/7, theo báo cáo của Vụ Vận tải và An toàn giao thông, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng khối lượng vận tải hàng hóa đạt 1.196 triệu tấn (tăng 14,6%); vận tải hành khách đạt 2.255 triệu lượt hành khách (tăng 16,1%); sản lượng hàng hóa qua cảng biển đạt 573,5 triệu tấn (tăng 15%) so với cùng kỳ.
“Đây là những con số rất đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực của toàn ngành trong chỉ đạo, điều hành, ứng dụng công nghệ, triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu, kết nối du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu năng lực vận tải. Số liệu tăng trưởng luôn duy trì 2 con số trong 6 tháng đầu năm thể hiện rõ vai trò của ngành vận tải như đòn bẩy cho chuỗi cung ứng và tiêu dùng phục hồi, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP cả nước,” ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Vận tải và An toàn giao thông nhìn nhận.
Ông Tuấn cũng đánh giá công tác quản lý giá dịch vụ vận tải được thực hiện linh hoạt, kịp thời, giá cước vận tải container quốc tế, dịch vụ cảng biển, vé máy bay nội địa... được kiểm soát hợp lý, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngoài việc thể chế, chính sách pháp luật được hoàn thiện theo hướng cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch, lãnh đạo Vụ Vận tải và An toàn giao thông cho rằng chuyển đổi số trong quản lý vận tải có bước tiến mới.
Cụ thể, nhiều đề án ứng dụng chuyển đổi số để đơn giản hóa, thay thế hoặc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; ứng dụng dữ liệu số trong đào tạo lái xe trực tuyến đang được triển khai; nền tảng hạ tầng số và cơ sở dữ liệu về vận tải như bản đồ số luồng tuyến, dữ liệu vận hành, cấp phép điện tử, tích hợp định danh phương tiện,... đang được triển khai nghiên cứu xây dựng, hướng tới mục tiêu 100% dịch vụ công vận tải đạt mức độ 4.

Trong mỗi dịp cao điểm Hè, nhu cầu đi lại của người dân bằng máy bay thường tăng rất cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngoài ra, việc tổ chức rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập đối với hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông trên đường bộ đã được thực hiện đồng bộ tại tất cả các địa phương, đạt được nhiều kết quả rất tích cực, được dư luận và người dân dân đánh giá cao.
“Nhìn chung, hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, tuy nhiên, ngành vận tải vẫn còn tồn tại một số hạn chế, hiệu quả chưa cao do tính kết nối giữa các phương thức vận tải của toàn hệ thống còn thiếu đồng bộ, áp lực đối với vận tải đường bộ còn ở mức cao, tốc độ chuyển dịch sang các phương thức vận tải còn lại còn chậm,” ông Tuấn cho hay.
Đánh giá vận tải không chỉ là huyết mạch của nền kinh tế mà còn là lực đẩy cho sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu, lãnh đạo Vụ Vận tải và An toàn giao thông đưa ra con số ước tính, mỗi 1% cải thiện hiệu quả vận tải có thể đóng góp 0,2-0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
“Do đó, tăng cường quản lý và điều hành vận tải trong 6 tháng cuối năm không chỉ phục vụ lưu thông mà còn là đòn bẩy trực tiếp để thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%,”.
Rà soát, điều chỉnh khung giá tối đa để sát thực tế
Đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng còn lại của năm nay, Vụ Vận tải và An toàn giao thông tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về vận tải và an toàn giao thông theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp; phát triển kết nối các phương thức vận tải liên vùng và ưu tiên chuyển dịch vận tải từ đường bộ sang đường thủy, đường sắt.
Cơ quan này nghiên cứu xây dựng nền tảng dữ liệu lớn về vận tải, kết nối định danh phương tiện với cơ sở dữ liệu quốc gia; tích hợp bản đồ số luồng tuyến, tải trọng, giấy phép điện tử; tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.

Máy bay của các hãng hàng không cất, hạ cánh tại một sân bay nước ta. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Vụ sẽ rà soát, tham mưu lãnh đạo bộ điều chỉnh khung giá, giá tối đa đối với dịch vụ vận tải trong các lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt và hàng không cho phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết và thực hiện các quy định về giá nhằm góp phần bình ổn giá, đảm bảo phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; nghiên cứu giải pháp tối ưu hóa luồng tuyến nhằm thúc đẩy phát triển các tuyến vận chuyển container hai chiều, tăng cường kết nối, thu hút hàng quá cảnh qua Việt Nam.
Song song với việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy kết nối, liên thông giữa các phương thức vận tải, Vụ Vận tải và An toàn giao thông tái cấu trúc mạng lưới vận tải một cách hợp lý, điều chỉnh các tuyến vận tải để kết nối hiệu quả với hệ thống vành đai, cao tốc, cảng cạn (ICD), đường sắt và các trung tâm logistics liên vùng, cũng như phù hợp với định hướng phát triển các trung tâm kinh tế, hành chính mới sau sáp nhập tỉnh./.