Những thương hiệu 'made in Sài Gòn' vang bóng một thời

Tập sách 'Made in Sài Gòn' tuyển chọn hình ảnh từ những thương hiệu gắn bó mật thiết với đời sống, sinh hoạt của người dân Sài Gòn - TP.HCM trong hơn một thế kỷ qua.

Không phải tự nhiên mà sách cũ, đĩa nhạc cũ, vật dụng cũ,... được ưa chuộng, được giới sưu tầm săn lùng, trở thành một phong cách trang trí trong nhiều ngôi nhà, quán cà phê. Những đồ vật nhuốm màu thời gian luôn có mãnh lực đặc biệt dẫn con người về một ký ức, một quá khứ mà bản thân họ trực tiếp nếm trải, hoặc đơn giản chỉ là một không gian hoài niệm những điều xưa cũ gắn với thế hệ trước.

Những thương hiệu nức tiếng một thời

Sài Gòn - TP.HCM từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã trải qua nhiều biến động về thời cuộc, môi trường kinh tế nhiều thăng trầm lúc thuận lợi, lúc bó hẹp. Tuy vậy, người dân tứ xứ hội tụ về đã góp rất nhiều công sức để làm nên một nền sản xuất tuy rời rạc song cũng đảm bảo nhu cầu thiết yếu và tiện nghi không chỉ cho người thành phố mà cả khu vực miền Nam trong thời gian dài.

Nhiều đồ dùng, thực phẩm đã trở nên quen thuộc trong các gia đình: bình thủy hiệu Lucky làm từ hãng Việt Nam Pha Lê Bình Thủy đựng nước sôi, mì gói khô hiệu Tôm Càng hay Gà Trống của công ty Sam Hoa trong Chợ Lớn chế biến sáng tạo thành món mì xào, bia hiệu Larue của hãng BGI - hãng bia lâu đời nhất Việt Nam, thành lập tại Sài Gòn vào năm 1875,...

 Sách song ngữ Made in Sài Gòn. Ảnh: Phương Nam.

Sách song ngữ Made in Sài Gòn. Ảnh: Phương Nam.

Ngoài ra còn các sản phẩm gia dụng như bình ắc quy, bóng đèn, đèn pin, đồ nhôm, các loại thực phẩm thiết yếu như bột ngọt, mì gói, nước tương; các sản phẩm may mặc, học cụ, đồ chơi trẻ em; các loại thuốc bắc, thuốc tây chữa bệnh,…

Ở những nhà khá giả hơn còn có thể kể đến xe hơi sản xuất tại Việt Nam, các món nữ trang hoặc mẫu giày guốc nổi tiếng, các sản phẩm văn hóa như tranh sơn mài và đồ mỹ nghệ, sách báo, tập nhạc, dĩa cải lương và phù điêu của các hội quán, lăng miếu trong khu vực Gia Định, Chợ Lớn.

Bên cạnh đó, còn có các hình ảnh biểu tượng của hoạt động tài chính như ngân hàng, xổ số; hay logo gắn trên va li các khách sạn nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.

Sức hấp dẫn của hoài niệm

Cuốn sách Made in Sài Gòn tuyển chọn logo, nhãn hiệu, áp phích, tờ rơi, ô quảng cáo trên báo chí... của những thương hiệu nức tiếng một thời, gắn bó sâu sắc với đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố. Những hình ảnh tuổi đời trên dưới một thế kỷ này chứng minh sức hấp dẫn không thể xem nhẹ của thời gian và giá trị của hoài niệm.

 Hình ảnh thương hiệu mì khô Gà Trống, mì chay Lá Bồ-đề, trích sách Made in Sài Gòn.

Hình ảnh thương hiệu mì khô Gà Trống, mì chay Lá Bồ-đề, trích sách Made in Sài Gòn.

Loạt hình ảnh đi kèm phần giải thích song ngữ Việt - Anh súc tích, sinh động giúp độc giả ngày nay hình dung phần nào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, cũng như cách vận dụng các thành tựu kỹ thuật để sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ đời sống.

Đồng thời, sách còn minh họa cách thiết kế một vài sản phẩm đồ họa của các họa sĩ Việt, Hoa hay Pháp trên đất Sài Gòn trước đây.

Nhà báo Phạm Công Luận được biết đến qua các tập truyện Chú bé Thất Sơn, Đường phượng bay, tập tản văn bán chạy Nếu biết trăm năm là hữu hạn viết cùng Đặng Nguyễn Đông Vy với bút danh Phạm Lữ Ân. Suốt một thập niên qua, Phạm Công Luận ghi dấu trong lòng độc giả với những tựa sách biên khảo văn hóa chỉn chu, đầy giá trị về TP.HCM - Sài Gòn như Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm, Có một thời ở Chợ Lớn.

Nối tiếp chuỗi sách cùng chủ đề, Made in Sài Gòn tổng hợp một phần bộ nhận diện thương hiệu các sản phẩm hàng tiêu dùng xuất hiện tại Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong trăm năm qua.

Bằng cách ghi nhận một thời Sài Gòn đã qua, tác giả mong muốn góp một phần nhỏ trong công cuộc gìn giữ những tư liệu quý giá của ngày cũ. Cuốn sách sẽ là món quà dành tặng những người yêu thích tìm hiểu về văn hóa, có đôi chút hoài cổ, và mang một tình cảm sâu đậm dành cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-thuong-hieu-made-in-sai-gon-vang-bong-mot-thoi-post1529276.html