Vào vườn nho Ba Mọi, giao lưu bài chòi Phú Yên

Vừa qua, đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đi thực tế sáng tác tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có dịp vào vườn nho Ba Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận). Tại đây, chủ vườn nho Ba Mọi đưa đoàn tham quan, ăn nho, uống rượu vang rồi được 'lại quả' bằng dân ca bài chòi Phú Yên.

Vườn nho Ba Mọi ra trái thòng đụng đầu “chào mừng” hàng trăm con mắt đến tham quan. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Vườn nho Ba Mọi ra trái thòng đụng đầu “chào mừng” hàng trăm con mắt đến tham quan. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Vườn nho Ba Mọi có diện tích gần 2ha, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 7km. Vườn nho với hàng ngàn trái nho thòng đụng đầu “chào mừng” bao con mắt đến tham quan.

Tiếng tăm vườn nho Ba Mọi

Buổi chiều chúng tôi đến vườn nho Ba Mọi, những màu sắc xanh của lá nho, cây cỏ tạo nên không gian yên bình bỗng ồn ào, náo nhiệt bởi tiếng trầm trồ nhìn sướng mắt khi mọi người thấy vườn nho ra trái sai vắt cục thòng xuống đi đụng đầu, không một vết sâu cạp trái hay sâu vẽ bùa trên lá. Đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh say sưa chụp series ảnh: nho dính chùm dâng tận miệng, ăn nho không cầm tay, ăn nho không chạm.

Lát sau, ông Nguyễn Văn Mọi, chủ vườn nho Ba Mọi xuất hiện giới thiệu: Vườn nho còn xanh tươi, hơn 1 tuần nữa mới chín. Trái nho có cái lạ trước khi chín 3 bữa nữa mới chuyển từ xanh sang màu nho. Nho trồng theo tiêu chuẩn nông sản sạch và an toàn, được công nhận sản phẩm OCOP nên khi thu hoạch, nho “đi” vào các siêu thị.

Ông Ba Mọi còn chia sẻ: Trồng nho một năm thu hoạch 2 vụ vào tháng 4 và thứ 10. Nho có đặc điểm “nắng ưa nhưng mưa không chịu”, vì vậy tháng 4 nắng lửa là mùa chính còn tháng 10 rơi vào tháng mưa nên là mùa phụ. Mà đặc sản của Ninh Thuận là “gió như phan, nóng như rang” nên nho ra trái rồi giấu dưới lá núp nắng lửa. Nho là dây leo nên làm giàn cho nho “trèo” rồi trồng cây xanh xung quanh vườn để chống chịu nắng gió.

“Ninh Thuận trồng được 6 giống nho. Ngoài nho ngón tay trái dài, các giống còn lại ra trái tròn lẳn. Trong các giống nho có nho kẹo được nhiều người ví là “ngọt như đường, thơm như kẹo” vì sự hấp dẫn của từng trái. Mỗi chùm nho có trên 100 trái nên khi ra trái bằng hạt bắp thì người trồng cắt tỉa bớt trái chen lấn để gốc nho không bị kiệt sức vì nuôi trái nhiều. Trung bình 1ha nho mỗi năm thu nhập tiền tỉ”, ông Ba Mọi nói.

Ông Ba Mọi tên thật Nguyễn Văn Mọi, khác với cách gọi nhiều vùng miền, tên Mọi thứ ba là gọi Ba Mọi, nhưng với ông tên Mọi của ông, vợ ông thứ ba (tên cũng là thứ) nên vườn nho ghép tên vợ chồng Ba Mọi.

Ông Ba Mọi giới thiệu cách ăn nho “vui” là hái trái nho “lở miệng” (rách vỏ chỗ cuốn) rồi kê vô miệng, bóp phần cơm lọt vô đầu lưỡi, còn vỏ cầm trên tay, cơm nho chạy từ đầu lưỡi vô cổ họng chạy đến đâu ngọt thanh đến đó.

Ông Ba Mọi gần 80 tuổi và đã có 50 năm gắn bó với cây nho. Đến vườn nho, du khách sẽ được nghe ông kể về chuyện trồng nho, tỉa trái và cả chuyện thức cùng cây nho vào thời điểm sắp chín. Tiếng tăm ông Ba Mọi dành cả đời ra sức trồng nho vang xa. Hôm đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đến, cũng có nhiều du khách nước ngoài đến vườn tham quan.

Nghệ sĩ Vũ The (đứng) giao lưu dân ca bài chòi Phú Yên. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Nghệ sĩ Vũ The (đứng) giao lưu dân ca bài chòi Phú Yên. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Khám phá rượu vang

Chúng tôi theo ông Ba Mọi xuống hầm rượu vang, để rồi sau đó nhìn thấy một quy trình chế biến trái nho thành những sản phẩm có giá trị cao. Rượu nho được ủ trong các thùng làm bằng gỗ sồi nhập từ Liên bang Nga xa xôi. Mời du khách nhấp ly rượu vang, ông Ba Mọi nói: Trồng nho ép ra rượu nho thì bình thường, chế biến rượu vang mới đặc biệt nên có câu “rượu vang món quà thượng đế”. Rượu vang ủ trong thùng gỗ sồi, thời gian ủ 5 năm, tối thiểu 3 năm, tạo ra màu vàng óng.

Rượu vang nho của ông Nguyễn Văn Mọi mang nhãn hiệu Đại Phương - Phan Rang được Sở KH&CN, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận chứng nhận đảm bảo các tiêu chuẩn về hóa học, hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc trừ sâu và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kết, thành viên của đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên nhấp ly rượu vang nho, tâm sự: Nhấp ngụm rượu vị ngọt, chua, đắng, chát “bắt” lại trong miệng thấm vào đầu lưỡi, cảm nhận được hương vị tươi mát của trái nho.

Vang nho Đại Phương được sản xuất theo quy trình khép kín từ nguồn nguyên liệu là vườn nho sạch Shiraz của gia đình ông. “Vườn nho Ba Mọi luôn chào đón du khách với tình yêu và niềm đam mê với nghề trồng nho. Du khách đến đây để lại tiết mục “nho hát”. Tôi thích nghe giai điệu dân ca vùng miền. Vừa rồi có đoàn ở tỉnh Bạc Liêu đến hát đờn ca tài cử. Ở Phú Yên tôi rất thích dân ca bài chòi”, ông Ba Mọi tâm sự.

Giao lưu bài chòi Phú Yên

Trong chuyến đi thực tế sáng tác của đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên có 7 nghệ sĩ sân khấu và âm nhạc. Điều ông Ba Mọi mong ước là tại vườn nho được “lại quả” bài chòi Phú Yên. Nghệ sĩ Vũ The “xung phong” hát bài “Dân ca Tuy Hòa thành phố đẹp xinh” do chính chị sáng tác.

Ông Phan Thanh Quyền, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin (nay là Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Sông Hinh), thành viên của đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên giới thiệu nghệ sĩ Vũ The, người từng đoạt nhiều HCV tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên và các tỉnh lân cận.

Đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đi thực tế sáng tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đến Ninh Thuận là buổi cuối cùng chuyến hành trình. Đi 5 ngày được 1 buổi. Nghĩa là buổi cuối ghé vườn nho Ba Mọi được chủ vườn nho đưa đoàn tham quan, ăn nho “vui”, uống rượu vang rồi được “lại quả” dân ca bài chòi, ai cũng vui vẻ phấn khởi, đọng lại những trải nghiệm khó quên.

Anh Cao Thọ, công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên

Lắng nghe nghệ sĩ Vũ The trình bày, ông Ba Mọi “trúng” bài chòi xứ Nẫu. Nghe xong ông nói: Qua biểu diễn của nghệ sĩ Vũ The, ông thấy thương nhớ dân ca bài chòi Phú Yên.

Ông Ba Mọi nói thêm, qua tìm hiểu sách, báo thì nghệ thuật bài chòi đã lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh tư duy, sắc thái của cư dân nông nghiệp trồng trọt là chủ yếu và sau đó được đúc kết và khéo léo vận dụng trong các hoạt động của cư dân ngư nghiệp thể hiện ở một số câu hò, vè, điệu ví về kinh nghiệm lối sống, ứng xử, tình nghĩa vợ chồng, làng xóm… “Tôi được biết trước đây các nghệ nhân Phú Yên lập ra các gánh hát, chủ yếu là người địa phương, sau đó phát triển lan rộng đến Khánh Hòa và phía Bắc Ninh Thuận. Không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng rất ưa bài chòi”, ông Ba Mọi giãi bày.

Nhà báo Hoàng Chương, nguyên Trưởng phòng Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Phú Yên chia sẻ: Tham quan vườn nho Ba Mọi không khí trong lành, tôi cảm thấy thư thái, gần gũi với thiên nhiên. Chuyến tham quan này không chỉ giúp tôi hiểu thêm về quy trình trồng nho mà còn là dịp để tôi tận hưởng những trái nho tươi, ngon ngọt ngay tại vườn. Cách ăn nói mộc mạc rất đời thường của ông Ba Mọi như bỏ lại phía sau những bộn bề lo toan của cuộc sống, chỉ đọng hương vị nho thú vị, những lời hỏi thăm chân thành. Chuyến đi này có nhiều cảm hứng để anh em văn nghệ sĩ Phú Yên sáng tác...

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/phong-su-ky-su/202505/vao-vuon-nho-ba-moi-giao-luu-bai-choi-phu-yen-b3837ac/