Về Kẻ Mía, nghe giai thoại sứ thần Giang Văn Minh

Nếu có dịp chu du về xứ Đoài mây trắng, bạn nhớ ghé thăm di tích Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh ở làng Kẻ Mía, thôn Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), để nghe về cuộc đời huyền thoại vị sứ thần thời hậu Lê, nổi tiếng tài trí, trung quân, ái quốc.

Khu nhà thờ Thám hoa nằm trong một con ngõ nhỏ ngay đầu làng Kẻ Mía, cổ kính, bình dị và khá khiêm nhường. Nhưng Di tích này lại hấp dẫn du khách bởi câu chuyện lịch sử và cuộc đời anh hùng lẫm liệt như huyền thoại của bậc anh hùng hào kiệt được thờ tự, vinh danh trong đó: Thám hoa Giang Văn Minh.

Theo sử sách, Giang Văn Minh sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oa, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội). Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thánh Tông. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi.

Theo các tài liệu lịch sử, sau khi đỗ đạt, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh (1631).

Không gian tâm linh tưởng nhớ, tri ân công đức vị sứ thần tài trí, trung quân ái quốc.

Không gian tâm linh tưởng nhớ, tri ân công đức vị sứ thần tài trí, trung quân ái quốc.

Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh. Trong chuyến đi này, ông đã đấu tranh buộc nhà Minh bỏ lệ cống người vàng hàng năm trước đó.

Cụ thủ từ Giang Vĩnh Thịnh - hậu duệ đời thứ 16 của Thám hoa Giang Văn Minh.

Cụ thủ từ Giang Vĩnh Thịnh - hậu duệ đời thứ 16 của Thám hoa Giang Văn Minh.

Cụ Giang Vĩnh Thịnh - thủ từ Nhà thờ Giang Văn Minh, hậu duệ đời thứ 16 của Thám hoa Giang Văn Minh kể lại giai thoại: Đã nhiều năm đi sứ mà mỗi năm đoàn đi sứ của ta phải khênh 1 tượng vàng 50kg sang cống nộp. Lý do là vì Lê Sách, tướng của Lê Lợi chặt đầu Liễu Thăng tướng nhà Minh ở ải Chi Lăng năm 1427. Sự việc đã trôi qua hơn 200 năm, dù bại trận nhưng triều đình phương Bắc vẫn ỷ thế nước lớn bắt nhà Đại Việt bắt mỗi năm phải mang cống nạp một tượng vàng 50kg tương đương với trọng lượng một người.

Đến năm 1637, Đoàn sứ bộ do sứ thần Giang Văn Minh dẫn đầu không mang tượng vàng sang nộp cho triều đình phương Bắc. Tới ngày sinh nhật vua Minh, nhiều nước tập trung nộp cống và chúc tụng, trừ Đoàn sứ bộ của Đại Việt. Thay vì cống nạp, sứ thần Giang Văn Minh bỗng dưng bật khóc thật to. Vua Minh thấy thế bèn cho vời vào hỏi: Tại sao hôm nay ngày vui của trẫm mà khanh lại khóc? Giang Văn Minh ngưng khóc, khảng khái trả lời: Hôm nay giỗ cụ tổ 8 đời nhà tôi mà tôi không được về quê thắp hương, tôi nhớ thương cụ nên tôi khóc.

Vua Minh nghe thấy thế cả cười, khen Giang Văn Minh có lòng hiếu thảo, đồng thời cũng cho biết tập quán nhà Minh thì 6 đời là có thể bỏ giỗ, không phải cúng nữa. Vậy nên ngày giỗ cụ tổ 8 đời, khanh không quá nặng lòng.

Lược sử cuộc đời và sự nghiệp sứ thần Giang Văn Minh.

Lược sử cuộc đời và sự nghiệp sứ thần Giang Văn Minh.

Bất ngờ, Giang Văn Minh nói: Thần cũng nghĩ như vậy nhưng người đời có biết thế đâu. Nợ Liễu Thăng nước thần đã phải trả hơn 200 năm tức là quá 8 đời rồi mà thiên triều vẫn tiếp tục đòi nữa thì điều đó là vô lý. Cuối cùng vua Minh phải tuyên bố xóa nợ Liễu Thăng trước quân thần.

Cũng trong lần đi sứ này, biết Thám hoa Giang Văn Minh là người thông minh, vua nhà Minh có ý thử tài sứ thần nước Việt nên ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Dịch nghĩa: Cột đồng đến nay đã phủ kín rêu phong).

Vế đối của Vua Minh có ý ngạo mạn, nhắc đến việc Mã Viện xưa sang xâm lược nước ta, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã cho dựng cột đồng khắc 6 chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nghĩa là: Cột đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ diệt vong).

Nghe câu đối, thám hoa Giang Văn Minh hiểu thâm ý của triều đình phương Bắc nhưng nuốt hận, kháng khái đối đáp: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ).

Vế đối của Giang Văn Minh đanh thép, thể hiện khí phách và lòng tự hào dân tộc của bậc hào kiệt, nhắc cho vua Minh nhớ lại ba lần sông Bạch Đằng nhuốm máu quân xâm lược phương Bắc. Ba trận thắng đó là: Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán năm 938; Lê Đại Hành đánh đuổi quân Tống năm 981 và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng năm 1288.

Các văn bia, câu đối về cuộc đời và sự nghiệp của Thám hoa Giang Văn Minh.

Các văn bia, câu đối về cuộc đời và sự nghiệp của Thám hoa Giang Văn Minh.

Bị Thám hoa Giang Văn Minh làm nhục trước bá quan quần thần, vua Minh đã bất chấp luật lệ bang giao, tàn ác sai lính mổ bụng ông xem “Sứ thần An Nam to gan lớn mật thế nào”.

Thi hài Thám hoa Giang Văn Minh sau đó được Đoàn sứ bộ ướp thủy ngân và đưa về nước trong nỗi tiếc thương vô hạn. Tang lễ ông được triều đình và nhân dân địa phương tổ chức trọng thể tại quê nhà làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ (tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oa, trấn Sơn Tây) theo đúng nghi thức tang lễ của một bậc trung thần hào kiệt xả thân vì đất nước.

Sau khi Thám hoa Giang Văn Minh mất, thương tiếc và cảm phục một sứ thần tài trí, dũng cảm, không chịu khuất phục trước uy vũ kẻ thù, vua Lê Thần Tông đã đến viếng linh cữu ông, đồng thời ban tặng đôi câu đối: "Sứ bất nhục quân mệnh/ Khả vi thiên cổ anh hùng" (Dịch nghĩa: Sứ thần không làm nhục mệnh vua/Xứng danh anh hùng thiên cổ). Đồng thời truy tặng ông chức Công Bộ Tả thị lang, tước Minh Quận công.

Hiện nay, ngôi mộ của Thám hoa Giang Văn Minh tại làng Kẻ Mía, thôn Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Còn ngôi quán nơi làm lễ an táng ông, được nhân dân địa phương gọi là quán Giang để ghi nhớ sự tích của vị sứ thần tài trí, trung dũng đã làm vẻ vang cho đất nước.

Năm 1845, nhân dân địa phương lập nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh tại làng Kẻ Mía. Qua nhiều lần trùng tu, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa. Nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Theo quan sát, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh nằm trên một con ngõ nhỏ ngay đầu làng Kẻ Mía. Đi qua cánh cổng cổ kính mộc mạc lợp ngói nam, du khách bước vào một khoáng sân gạch rộng dẫn tới khu thờ tự. Trong nhà thờ có nhiều văn bia, câu đối lưu danh cuộc đời và sự nghiệp của Thám hoa Giang Văn Minh, trong đó có các câu đối bằng chữ Hán có dịch nghĩa tiếng Việt.

Cụ thủ từ Giang Vĩnh Thịnh cho biết: không chỉ lễ tết và những kỳ sóc vọng, nhà thờ quanh năm ấm áp khói hương của con cháu họ Giang, người dân và du khách. Nhà thờ là một địa chỉ về nguồn để giáo dục lịch sử, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự cường, tự hào dân tộc cho các thế hệ. Đây cũng là một địa chỉ tín ngưỡng tâm linh mà người dân thường lui tới để cầu về đường học vấn, công danh.

Cùng với các di tích nổi tiếng như chùa Mía, đình, đền Kẻ Mía, đình làng Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh là một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn khi du khách đến thăm xứ Đoài mây trắng.

Diệu Minh (biên soạn)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ve-ke-mia-nghe-giai-thoai-su-than-giang-van-minh-post506420.html