Về nghe lửa ấm nồng nàn...

Đã lâu, tôi không về thăm quê cũ, để nép sau áo mẹ hít hà hương vị nhà quê, để ngắm nhìn những cánh đồng lúa mênh mông chảy thẳng đến chân trời, để nghe từng cánh gió xôn xao lùa qua song cửa. Thời gian cứ trôi đi mải miết, không biết bến bờ. Tôi về đứng trước ngõ nhà quê vẫn mảnh sân cũ vang vọng tiếng cười, con sông trước nhà bao đời thắm chảy, hàng dừa xanh nghiêng mình soi bóng. Tất cả những thứ thuộc về quê cứ yên bình đi qua tháng ngày tất tưởi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gian bếp thấp lè tè, bồ hóng đen ngòm vẫn ngày đêm đỏ lửa. Dẫu thời gian có bôi xóa mọi thứ, nhưng mẹ vẫn ngồi dịu dàng nhóm lửa hong khói lên trời. Cả tuổi thơ quanh quẩn cùng mẹ trong bếp, tôi đã quá quen với mùi khói bếp, với lấm lem đầy lọ nghẹ, với chén nước cơm ngọt lừ bốc khói. Gian bếp nhỏ - nơi mẹ chắt chiu những lặng thầm, là những bó lá dừa khô khốc, là cự củi đều tăm tắp, là những chai lọ, rổ rá thẳng hàng, là những hũ khạp thoang thoảng mùi thơm. Những thứ ám khói nhưng luôn cất lên những tiếng nói cho riêng mình. Những bó lá dừa khô kể tôi nghe về những buổi chiều, mẹ ngồi lọ mọ róc lá, buộc thành từng bó. Những cự củi khô kể tôi nghe về những ngày mẹ rong ruổi đi kiếm củi phơi cho kịp nắng. Những chai lọ, rổ rá kể cho tôi nghe về những tháng ngày chắt mót của mẹ. Những hũ khạp kể cho tôi nghe về những trưa mẹ ngồi nhận mắm, muối cà. Những thứ mà tôi luôn chờ đợi ở mỗi bữa cơm. Mẹ lại dạy tôi cách làm mắm, muối cà, cách nuôi giấm, nuôi cơm mẻ. Đến độ tôi thành thục chuyện bếp núc từ lúc nào không hay.

Ở quanh mẹ có những thứ chẳng bao giờ đứng lẫn vào đâu. Như mọi bà mẹ quê khác, mẹ luôn chăm chút từng góc nhỏ trong gian bếp. Mẹ vẫn thường dặn dò tôi phải gọn gàng, ngăn nắp, bởi những bà mẹ quê khi đi “coi dâu” thường xuống bếp, xem thử nếp ăn ở như thế nào. Gian bếp cũng nói lên tính cách của con người, mẹ tôi vẫn thường bảo vậy. Gian bếp là nơi mẹ gắn bó nhất trong nhà, có lúc tôi tưởng chẳng ai có thể nhấc mẹ ra khỏi khoảng không gian chật hẹp đó. Mẹ vẫn lặng thầm ngồi bên bếp lửa vá áo, bó chổi. Có khi tôi lại thấy mẹ đẽo gọt cán dao, ngõng cối hay hì hục sàn gạo, xay bột. Gian bếp cũng trở thành thiên đường của tôi bởi những món ngon mẹ nấu. Dù chỉ là mẻ kho quẹt, tô canh rau tập tàng hay củ khoai nướng vội, mẹ vẫn dốc lòng nâng niu. Những món bánh nhà quê, dân dã trở thành tuổi thơ đẹp mà tôi giữ mãi bên lòng.

Trở về bên gian bếp của mẹ, tôi nghe như thời gian chầm chậm trôi qua. Những thứ cũ càng, ám khói năm tách biệt với thế giới ồn ào, rộng lớn ngoài kia. Tôi lại ngồi nép vào vai mẹ, nhìn làn tóc trắng ngần, nhìn những giọt mồ hôi trên vầng trán nhăn nheo, nhìn đốm lửa lập lòe sưởi ấm cả gian nhà. Tôi lại cùng mẹ lợp lại chái bếp nhà sau. Những chắp nối, vá víu cứ ngổn ngang mà mẹ thì chưa bao giờ từ bỏ. Mối mọt đua nhau gặm nhấm, mưa ướt tứ bề bởi những chêm lá chỗ này lại dột chỗ kia. Mấy bận ba bảo dẹp nhà bếp làm kho chứa đồ, nhưng mẹ cứ kiên quyết giữ lại. Bởi gian bếp nhỏ đó có những thứ bao năm vẫn luôn thuộc về mẹ.

Để mỗi bận xa quê, tôi lại nhớ da diết gian bếp của mẹ. Nhớ mùi khói thơm lừng, nhớ mùi mắm, mùi dưa cà và nhớ cả mùi mồ hôi trên áo mẹ. Ngồi rọc lá, chẻ củi cùng mẹ giữa mảnh vườn xanh mát, tôi thấy bình yên đến lạ, tưởng như mình chưa từng rời đi. Trong làn khói mơ hồ bay lên, có những mảnh kí ức rời tôi chưa kịp đặt thành tên. Gian bếp của mẹ lại đỏ lửa nồng nàn, thắp lên những xốn xang chưa bao giờ tắt...

Huỳnh Thị Kim Cương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ve-nghe-lua-am-nong-nan-post491916.html