Về núi Dành, mục sở thị 'vương quốc' sâm tiến vua

Chuyện xưa kể rằng, Hoàng thái hậu Từ Dũ, mẹ của vua Tự Đức, bị bệnh nặng, mắt mờ dần, thần y khắp nơi được triệu tới mà bệnh tình không thuyên giảm. Bỗng một hôm, nhờ củ sâm dâng biếu từ núi Dành, bà dần hồi phục. Từ ấy, sâm núi Dành trở thành sản phẩm tiến vua.

Núi Dành tên chữ là Chung Sơn, thuộc địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang), nhìn từ xa giống như quả chuông nằm nghiêng. Khách muốn ghé thăm phải băng qua nhiều cung đường hiểm trở. Từ trên cao nhìn xuống, hai xã Việt Lập, Liên Chung như một cánh buồm nằm gọn trong dãy núi.

“Tiên dược” trời ban

Bên chén trà hãm từ hoa sâm nam sấy khô, ông Thân Hải Đăng ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, người đang sở hữu gốc sâm Nam cổ có tuổi đời hơn 1 thế kỷ, hào hứng kể hồi còn nhỏ nhà ông rất nghèo. Để nuôi sống cả gia đình, mẹ ông lên núi tìm sâm bán cho quan lớn trong vùng.

Hồi ấy, bà ngoại dẫn mẹ ông đi biền biệt mấy ngày đêm nhưng chỉ đào được hai củ sâm quý. Củ lớn đem bán lấy tiền mua gạo, củ còn lại nhỏ quá không ai mua nên gia đình đã đem ra trồng ở một góc vườn. Chính gốc sâm đó giờ trở thành gốc sâm trăm tuổi duy nhất còn sót lại trong vùng.

Sâm núi Dành bén rễ đã lâu nhưng phải đến những năm gần đây mới được nhân rộng ở Tân Yên, Bắc Giang.

Sâm núi Dành bén rễ đã lâu nhưng phải đến những năm gần đây mới được nhân rộng ở Tân Yên, Bắc Giang.

Từ gốc sâm cổ ở nhà ông Đăng, năm 2012, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường huyện Tân Yên thực hiện đề tài: "Bảo tồn và nhân giống cây sâm núi Dành". Đến năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện di truyền nông nghiệp) thực hiện đề tài: "Nghiên cứu đánh giá bảo tồn nguồn gene cây sâm núi Dành", từ góp phần phục hồi cây sâm về sau này.

Cũng có nhiều câu chuyện kỳ bí về cây sâm núi Dành, ông Dương Văn Viên (69 tuổi), ở thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung, cho hay bản thân ông Viên không biết chính xác cây sâm có ở địa phương tự bao giờ. Chỉ biết từ thuở nhỏ, khi đi chăn trâu, ông đã nghe các cụ kể về “tiên dược” trị bách bệnh.

Thung lũng núi Dành từ xưa được xem là vùng đất thiêng, nên mới sản sinh ra những sản vật quý. Tiếng lành đồn xa, nhiều người cất công lên núi tìm kiếm, khiến cây sâm ngày càng khan hiếm. Suốt 40 năm, từ 1970 đến 2010, sâm nam núi Dành gần như bị tuyệt diệt. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của người dân, nhà khoa học và địa phương, cây sâm dần hồi sinh.

Như trường hợp của bản thân ông Viên, sau khi xuất ngũ vào năm 1978, cựu binh chiến trường Tây Nguyên trở về làm nông dân. Đầu năm 1982, ông bắt đầu gây dựng vườn sâm nam từ vài cây giống. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến đầu những năm 2000, ông Viên dần làm chủ được kỹ thuật.

Cây sâm đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở vùng đất thiêng núi Dành.

Cây sâm đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở vùng đất thiêng núi Dành.

Giờ đây, các vườn sâm nam của ông đã rộng gần 6.000 m2, với trên 8.000 gốc, doanh thu đạt 300 triệu đồng/năm. “Trước đây, năng suất không cao do trồng xen canh với cây ăn quả như nhãn, bưởi, vải… Sau này chuyển sang chuyên canh nên cây cho giá trị cao hơn”, ông Viên nói.

Trong bối cảnh không ít loại nông sản cho thu nhập không cao, nhiều rủi ro dịch bệnh, được mùa rớt giá, thì cây sâm nam cho củ đẹp có thể bán với giá vài triệu đồng. Để lấy ngắn nuôi dài khi chờ cây sâm đủ lớn để lấy mẫu, kiểm định chất lượng (khoảng 5 năm), người trồng đã có nguồn thu từ bán hoa sâm. Hoa sấy khô có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg, hoa sâm tươi thì giá thấp hơn.

“Chữa nghèo” cho cả vùng

Dễ nhận thấy, trong gần 10 năm qua, người nông dân trồng cây sâm nam núi Dành trên địa bàn 2 xã Việt Lập và Liên Chung nhờ tâm huyết, đồng thời áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đang “hồi sinh” thành công vùng dược liệu quý, đem lại nguồn thu nhập cao.

Ông Thân Hải Đăng, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi dành Việt Lập, cho biết người trồng sâm nếu “mưa thuận gió hòa” có thể làm giàu rất nhanh. Riêng tại HTX Việt Lập, bình quân mỗi năm thu từ 1, 6 - 1,8 tấn hoa sâm khô thành phẩm làm trà, với giá bán khoảng 800.000 đồng - 1.500.000 đồng/kg, thu về khoảng từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng/vụ.

Cây sâm có thể bán hoa, bán củ và bán cây giống, tất cả đều cho giá trị kinh tế cao.

Cây sâm có thể bán hoa, bán củ và bán cây giống, tất cả đều cho giá trị kinh tế cao.

Đặc tính của cây sâm nam núi Dành là cho năng suất hoa cao nhất ở năm 2 và năm 3. Xã Việt Lập có trên 100 hộ gia đình trồng sâm Nam núi Dành, ít thì trồng vài gốc trong vườn nhà để sử dụng, nhiều thì hàng trăm, hàng nghìn gốc. Bên cạnh hoa, người trồng sâm có thể bán củ (giá trị cao nhưng cần ít nhất 5-7 năm), hoặc bán cây giống.

Nhờ trồng sâm nam núi Dành nhiều hộ dân ở địa phương đang trở thành những “tỷ phú chân đất”. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh, thành viên HTX Việt Lập, đang trồng 1,4 ha sâm. Vào vụ chính, cứ mỗi ngày, gia đình ông thu hái nụ hoa sâm một lần được khoảng từ 2,0 - 2,5 tạ hoa sâm tươi. Sau chế biến sấy khô đạt từ 30 - 35 kg hoa khô làm trà.

Gia đình ông Thân Văn Ngọc, thôn Đồng Sen cũng là điển hình làm giàu nhờ trồng sâm núi Dành, hiện có diện tích 0,7 ha sản xuất. Hàng năm, ông Ngọc thu hoạch hoa sâm tươi, sau khi chế biến có khoảng 3 tạ trà hoa sâm khô, thu về trị giá khoảng 260 - 280 triệu đồng.

Theo UBND huyện Tân Yên, diện tích trồng sâm nam núi Dành trên 24ha, chủ yếu tại các xã Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến. Trong đó, diện tích cho thu hoạch củ là 2,5ha, còn hoa sâm là 15ha. Hiệu quả kinh tế ước khoảng 5 tỉ đồng/ha/chu kỳ khai thác 5 năm.

Có tiềm năng lớn, song theo UBND huyện Tân Yên, với đặc tính chu kỳ sản xuất dài, nguồn cung còn ít, chưa thể hình thành vùng nguyên liệu lớn nên địa phương chưa phát huy hết giá trị cây sâm nam núi Dành. Sắp tới, Trung tâm Giống cây ăn quả Bắc Giang sẽ giúp bà con nhân ươm cây sâm giống bằng phương pháp nuôi cấy in-vitro hiện đại, mở rộng diện tích sản xuất.

Cây sâm được huyện Tân Yên định hướng phát triển thành vùng nông sản trọng điểm.

Cây sâm được huyện Tân Yên định hướng phát triển thành vùng nông sản trọng điểm.

Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên đã có quy hoạch: "Định hướng phát triển sản xuất cây dược liệu từ năm 2021 đến năm 2030", trong đó có quy hoạch phát triển cây sâm núi Dành tại hai xã Liên Chung và Việt Lập.

Trước đó, vào năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đưa sản phẩm cây sâm núi Dành vào diện bảo hộ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ. Tháng 8/2021, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 3228/QĐ-SHTT ngày 02/8/2021 cho sản phẩm sâm núi Dành.

Vẫn còn nhiều thách thức để phát huy hết tiềm năng của “tiên dược”, nhưng đến nay, sâm núi Dành đang từng bước trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sắc tỉnh Bắc Giang nhờ giá trị kinh tế vượt trội và lợi ích của loài cây này đem lại.

Việc địa phương phát triển đại trà loài sâm, mở rộng mô hình trồng sâm theo chuỗi liên kết, bảo tồn nguồn gen sẽ tạo nhiều cơ hội khởi sắc, phát triển kinh tế địa phương, mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho người dân.

Đồng thời việc tiếp tục hỗ trợ cho người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số triển khai Dự án để phát triển sản phẩm sâm núi Dành sẽ mang lại nhiều sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu sâm núi Dành phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, cả chính quyền địa phương và các hộ sản xuất sâm đang rất quan tâm đến phát triển mảng du lịch sinh thái. Các vùng trồng sâm nam nở hoa trắng hơi ngả vàng vừa tinh khôi lại vừa dịu dàng, điểm trên nền cây xanh ngắt trải dài, chính là điểm nhấn hút du khách đến với vùng đất thiêng núi Dành. Với tiềm năng đang có, trong tương lai, sâm núi Dành hứa hẹn sẽ là một trong những biểu tượng nông nghiệp giá trị cao – là báu vật của vùng đất Bắc Giang.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/ve-nui-danh-muc-so-thi-vuong-quoc-sam-tien-vua-1104339.html