Về với những trầm tích văn hóa của làng cổ Đào Quạt
Làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy (Ân Thi), một ngôi làng cổ ẩn chứa nhiều lớp trầm tích văn hóa, nơi sinh ra nhiều nhân kiệt cho đất nước.
Đình Đào Quạt được công nhận di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia
Xưa kia, làng Đào Quạt có tên là Đào Xá. Để tránh nhẫm lẫn với một địa danh khác trong tổng, người dân gọi tên làng là Đào Quạt gắn với nghề làm quạt cổ truyền của làng. Làng Đào Quạt nổi tiếng với nhiều loại quạt như quạt giấy, quạt sừng, quạt xương… Đặc biệt, quạt của làng đã được mang vào kinh đô tiến vua, phục vụ các vua, chúa. Theo các nhà nghiên cứu sử học, ngày Tết Đoan Ngọ trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình long trọng tổ chức nhiều nghi lễ, trong đó có nghi lễ ban quạt cho các quan với ý nghĩa sâu sắc là ban “Phúc lành, sức khỏe, bình an”. Làng Đào Quạt được giao trọng trách làm quạt ban. Xưa kia, nhiều thợ tài hoa của làng Đào Quạt ra Thăng Long làm quạt và lâu dần lập nên phố Hàng Quạt (Hà Nội) ngày nay. Người Đào Quạt xưa đã lập nên Xuân Phiến Thị (chợ Quạt mùa xuân) tại Kinh thành Thăng Long với các loại quạt, như: Đại mại phiến (vẩy đồi mồi), nha phiến (ngà voi), ngưu giác phiến (sừng trâu), bạch đàn phiến, lão mai phiến (quạt nan bằng cây mai già), quạt bằng tre, nứa. Hiện tại, phố Hàng Quạt còn ngôi đình Xuân Phiến Thị thờ ông tổ nghề quạt họ Ðào.
Làng Đào Quạt nổi tiếng với vị võ tướng Đào Công Chí tinh thông, tài năng xuất chúng, có công đánh giặc Chiêm Thành. Theo tài liệu để lại, vào năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), giặc Chiêm Thành xâm lấn nước ta, vua sai tìm người tài giúp nước. Đến Đào Xá nghe có người văn học tinh thông, võ nghệ cao cường, đặc biệt là tài thao lược, vua cho triệu vào hỏi kế phá giặc, ông dâng kế sách, được khen ngợi là người tài giỏi, vua giao cho ông chức Đô chỉ huy sứ, chỉ huy hiệp trung bá và lãnh binh đi đánh giặc. Chẳng mấy chốc, giặc Chiêm bị đánh đuổi khỏi bờ cõi, đất nước trở lại thanh bình. Trải qua các triều đại, ông được ban sắc phong làm thượng đẳng thần. Sau khi mất, Nhân dân dựng đình thờ tưởng nhớ ông, phong ông là Thành hoàng làng. Đình Đào Quạt mang nhiều giá trị kiến trúc - nghệ thuật, hiện còn lưu giữ một số cổ vật, đồ thờ có niên đại thời Hậu Lê và Nguyễn, như: 1 bia đá, 2 tượng phỗng đá, 3 chân tảng đá hoa sen, 18 đạo sắc phong thời Hậu Lê và thời Nguyễn, 2 bộ xương quạt bằng ngà voi, khám, tượng, ngai thờ, đỉnh đồng…
Làng Đào Quạt cũng chính là quê hương của nhà tư sản yêu nước Phạm Chân Hưng, Giáo sư – Viện sĩ Phạm Huy Thông. Nhà tư sản yêu nước Phạm Chân Hưng sớm lập nghiệp tại Hà Nội, tham gia “Lớp học yêu nước”, tiếp xúc các chí sĩ yêu nước, tham gia phong trào yêu nước ở các khu phố cổ Hà Nội. Gia đình ông đã cống hiến nhiều tài sản có giá trị, đồng thời vận động các hộ giàu có ở khu phố cổ Hà Nội đóng góp cho cách mạng. Giáo sư - Viện sĩ Phạm Huy Thông chính là con trai cả của thương gia Phạm Chân Hưng. Theo gia phả họ Phạm, cụ tổ dòng họ Phạm là Phạm Quang Chiếu từng đỗ Đại khoa thời Lê (Hoàng giáp tiến sĩ, năm 1676), được khắc tên trong bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Thế hệ Phạm Huy Thông là hậu duệ đời thứ 24 của Tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Nối tiếp tư tưởng yêu nước của cha, Phạm Huy Thông được nhiều người biết đến với tư cách là một nhà sử học, khảo cổ học, nhà hoạt động chính trị, nhà sư phạm mẫu mực, nhà thơ của thể loại anh hùng ca, một trí thức cách mạng yêu nước. Năm 1937, Phạm Huy Thông lên đường sang Pháp du học và tốt nghiệp thạc sĩ sử - địa, rồi tiến sĩ luật; năm 31 tuổi được phong giáo sư và giữ chức Ủy viên Hội đồng giáo dục tối cao của Chính phủ Pháp. Năm 1946, tại Hội nghị Fontainebleau, ông được Bác Hồ chọn làm người phiên dịch, soạn thảo văn bản cho Người và Chính phủ ta tại hội nghị. Năm 1949, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, đảm nhận chức Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam yêu nước ở Pháp và không ngừng đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập tại Pháp. Ông phụ trách tổ chức Việt kiều yêu nước hải ngoại. Sau khi bị bắt, bị giam cầm, ông bị trục xuất khỏi Pháp. Về nước, ông vẫn kiên định lý tưởng của Đảng. Năm 1952, ông bị chính quyền Pháp đưa về quản thúc tại Hải Phòng.
Năm 1956, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm giáo sư trong đợt đầu tiên và đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là Viện trưởng đầu tiên Viện Khảo cổ học và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ở giai đoạn ông lãnh đạo, Viện khảo cổ học đã nghiên cứu thành công đề tài "Thời đại các Vua Hùng dựng nước", "Khảo cổ học 10 thế kỷ sau công nguyên", "Khảo cổ học với văn minh thời Trần"... góp phần làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia có nền khảo cổ học mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Ông cũng là người sáng lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông được Đảng và Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu khảo cổ như: Hang Con Moong, trống đồng Đông Sơn và các bài dẫn luận thời đại Hùng Vương.
Trong lớp trầm tích văn hóa của làng Đào Quạt, xưa kia, nơi đây được xem là trung tâm hát trống quân của cả vùng đồng bằng. Con sông Cửu An trước đình Đào Quạt đã từng chứng kiến các canh hát trống quân đối đáp trong suốt những ngày hội làng giữa trai gái làng Đào Quạt và làng Tào Khê bên kia sông. Ngày nay, loại hình nghệ thuật này vẫn được lưu giữ và truyền dạy cho các thế hệ sau ở ngôi làng giàu giá trị văn hóa này. Dù nghề làm quạt ở làng Đào Quạt nay đã mai một, song làng Đào Quạt đã làm giàu thêm giá trị truyền thống của huyện Ân Thi để người dân thêm trân trọng, tự hào về quê hương giàu bản sắc văn hóa, lịch sử này.